Đợt bỏ phiếu của đảng Bảo thủ kết thúc lúc 17 giờ ngày 22-7 (tức 23 giờ cùng ngày, giờ Việt Nam) sẽ cho biết ai trở thành tân Thủ tướng Anh, thay thế bà Theresa May. Kết quả được công bố vào hôm nay (23-7).
Dù ông Jeremy Hunt (trái) hay ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh cũng đều phải giải quyết vấn đề Brexit đang bế tắc. Ảnh: AFP |
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson được nhận định gần như chắc chắn trở thành nhà lãnh đạo mới của Anh. Song, đến lúc này, cả ông Johnson lẫn Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt đều đối mặt với chặng đua cuối gập ghềnh. Chiều 22-7 (giờ Việt Nam), Thứ trưởng Ngoại giao Alan Duncan đệ đơn từ chức. Ông Duncan là người đầu tiên từ chức trước khi ông Johnson có thể trở thành Thủ tướng và dẫn dắt nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Động thái của ông Duncan cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như của Quốc hội Anh với kịch bản Brexit không có thỏa thuận - điều mà nhiều doanh nghiệp của xứ sở sương mù coi như thảm họa với nền kinh tế đất nước.
Tuần trước, Bộ trưởng Văn hóa Margot James cũng từ chức vì không chấp nhận tuyên bố của ông Johnson trong việc đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10, bất chấp việc có hay không có thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cuối tuần qua tuyên bố sẽ từ chức nếu ông Johnson giành chiến thắng. Ông Hammond nói rằng, ông thà từ chức chứ không để bị ông Johnson sa thải, và ông chưa bao giờ chấp thuận chiến lược Brexit của cựu Thị trưởng London. Ông Hammond cũng từng cam kết chiến đấu tới cùng với những thành viên khác trong Quốc hội để ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận.
Theo kế hoạch, kết quả bầu cử sẽ được công bố vào hôm nay (23-7). Người giành nhiều phiếu nhất sẽ lập tức trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ và tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 24-7.
Tất nhiên, dù ai chiến thắng, ông Johnson hay ông Hunt, nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của họ là cuộc đàm phán Brexit. Ông Johnson từng nói rằng sẽ tăng tốc các khâu chuẩn bị cho một lối thoát không thỏa thuận để gây sức ép, buộc các nhà đàm phán EU đưa ra những thay đổi cho bản thỏa thuận mà bà Theresa May từng ký với họ.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay cho thấy quan điểm phản đối việc rời EU không có thỏa thuận đang tăng lên. Trong khi đó, phía EU không chấp nhận thêm những thay đổi nào khác với bản thỏa thuận họ từng ký với bà May. Lúc này, Brexit vẫn như mớ bòng bong. Nếu EU bảo lưu quan điểm của khối, nghĩa là bản thỏa thuận bà May đạt được với Brussels năm ngoái là thỏa thuận Brexit duy nhất đang tồn tại. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, việc ông Johnson tuyên bố sẽ mở lại đàm phán và bảo đảm đạt được những thay đổi trong thỏa thuận có phần thiên về mong muốn chủ quan hơn là thực tế. Nếu ông Johnson không thể giành được những thay đổi cần thiết cho thỏa thuận, nước Anh sẽ phải rời EU vào ngày 31-10 như kế hoạch.
Theo báo Sydney Morning Herald, ông Johnson được mô tả như “ông Trump nhỏ” (mini-Trump) bởi những điểm tương đồng trong khí chất của hai người. Thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Johnson trở thành nhà lãnh đạo của Anh. Cứ cho là ông Johnson sẽ trở thành chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing, điều này cũng không có nghĩa Brexit sẽ hoàn tất thương thảo. Vẫn còn rất nhiều điều có thể xảy ra từ nay tới trước ngày 31-10, kể cả khả năng việc kêu gọi bầu cử sớm và trưng cầu dân ý lần hai.
Dư luận nói nhiều khả năng “Brexit cứng” nếu ông Johnson làm Thủ tướng. “Brexit cứng” là tình huống nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận “ly hôn”. Theo đó, Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan mà không có tấm lưới bảo hộ ở dạng thức những thu xếp chuyển đổi. Nước Anh cũng sẽ phải từ bỏ quyền được tiếp cận với thị trường lớn nhất thế giới của 27 quốc gia thành viên EU còn lại. Dĩ nhiên, có quá nhiều dự đoán của các chuyên gia về những hệ lụy nghiêm trọng sẽ đến với nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới nếu họ phải đi đến kết cục “Brexit cứng” như vậy.
TRẦN ĐẮC LUÂN