Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp khẩn tại Brussels (Bỉ) ngày 15-7 đều muốn “cho ngoại giao một cơ hội” để giảm căng thẳng ở vùng Vịnh và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015.
Niềm vui của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Javad Zarif sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Ảnh: AP |
Bất chấp việc Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), các ngoại trưởng của EU kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận lịch sử này, thay vì làm giàu uranium vượt quá 3,67% quy định. Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok nhấn mạnh: “Vẫn chưa quá trễ, nhưng Iran thực sự phải tuân thủ nghĩa vụ của mình”.
Mới đây, Iran đặt điều kiện cho các bên còn lại trong JCPOA rằng, động thái của nước Cộng hòa Hồi giáo chỉ có thể đảo ngược khi Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Đức và cả EU phải thực hiện cam kết liên quan lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng để phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi năm ngoái, Iran vẫn duy trì cam kết với hy vọng EU sẽ có cơ chế đặc thù giúp Tehran tiếp tục hoạt động thương mại với khối, nhất là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, Iran dần mất kiên nhẫn khi EU không cung cấp cơ chế thương mại tự do khả thi để giảm hậu quả của lệnh trừng phạt. EU rõ ràng cũng chịu sức ép của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi thậm chí nói rằng, nước ông coi nhóm P5+1 không tồn tại và Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Nay các ngoại trưởng của liên minh 28 nước nhóm họp còn đòi Tehran phải tuân thủ thỏa thuận trở lại.
Đáng chú ý, có mặt tại Brussels, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thể hiện rõ quan điểm muốn giảm căng thẳng với Iran trong lúc hai nước đang căng thẳng về vụ bắt bớ tàu ở vùng Vịnh. Ngày 4-7 vừa qua, lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi tàu này vận chuyển dầu đến Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
Ngoại trưởng Hunt - ứng cử viên chạy đua chức Thủ tướng Anh cho rằng, cần thiết mở tất cả các kênh ngoại giao để giải quyết khủng hoảng với Iran và vẫn còn thời gian để cứu thỏa thuận. “Iran vẫn còn một năm để từ bỏ việc phát triển bom hạt nhân. Một số cánh cửa đã đóng lại, nhưng cửa sổ nhỏ để giữ thỏa thuận hạt nhân vẫn tồn tại”, ông Hunt nói, đồng thời cho rằng Trung Đông là một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới nhưng nếu các bên được trang bị vũ khí hạt nhân thì sẽ tạo ra mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại. Trước khi đến Brussels, ông Hunt tuyên bố tàu chở dầu của Iran sẽ được thả nếu có sự bảo đảm từ phía Tehran rằng tàu này sẽ không tới Syria.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi châu Âu duy trì sự thống nhất để cứu thỏa thuận và Tehran cần đảo ngược quyết định làm giàu uranium của mình. Pháp, Đức, Anh đều muốn Mỹ và Iran giảm căng thẳng. Trước khi bước vào cuộc họp ở Brussels, ba cường quốc châu Âu tham gia JCPOA này ra tuyên bố chung thúc giục Iran tuân thủ thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quan ngại thỏa thuận sẽ bị xói mòn hơn nữa do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt và nhất là sau khi Iran không còn thực thi một số điều khoản trung tâm.
Trong khi đó, về phía Iran, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của quốc gia này, ông Behrouz Kamalvandi, cũng đề cập việc “cho ngoại giao một cơ hội”. Song, ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Nếu châu Âu và Mỹ không thực hiện cam kết, chúng tôi sẽ tạo ra sự cân bằng trong thỏa thuận bằng cách giảm cam kết và trở lại tình hình cách đây 4 năm”.
Hiện Iran vẫn thể hiện sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington đáp ứng được các điều kiện: cường quốc hàng đầu thế giới phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt áp lực kinh tế và trở lại thỏa thuận. Song, còn quá sớm để nói về khả năng đàm phán và nỗ lực của châu Âu sẽ đi đến đâu, bởi cả Mỹ lẫn Iran đang đứng bên bờ một cuộc chiến không khoan nhượng.
PHÚC NGUYÊN