Ngày 1-7, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) bước vào vòng đàm phán thứ 18 tại Brussels (Bỉ) để tìm kiếm ứng viên đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) sau khi các cuộc bàn thảo xuyên đêm bế tắc.
Bất đồng sâu sắc không chỉ xảy ra giữa các nhóm chính trị lớn, mà còn giữa các nước Tây, Đông và Trung Âu nhưng cuối cùng EU cũng đạt được thỏa thuận trong việc phân chia ghế lãnh đạo, thay vì tổ chức cuộc họp thượng đỉnh bất thường khác vào ngày 15-7.
Hãng Reuters cho biết, các nhà lãnh đạo ủng hộ việc chọn cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans đứng đầu EC, thay thế ông Jean-Claude Juncker sắp hết nhiệm kỳ. Ông Timmemans thuộc đảng Xã hội của Hà Lan nhận được sự ủng hộ của Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Việc đề cử ông Timmemans ban đầu không nhận được sự đồng tình của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), một trong 4 nhóm chính trị lớn tại Nghị viện châu Âu (EP).
Nhóm các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia ủng hộ ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, trở thành chủ tịch EC. Để được bổ nhiệm vị trí đứng đầu EC, ứng viên phải có sự ủng hộ của ít nhất 72% trong số 28 nước thành viên.
Nhân vật theo đường lối trung hữu Manfred Weber (người Đức) được EPP hậu thuẫn để trở thành Chủ tịch EC, nhưng vấp phải sự phản đối của Pháp và Tây Ban Nha. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, ông Weber thiếu kinh nghiệm điều hành nên không thể lãnh đạo EC. Paris và Madrid đều ủng hộ các ứng cử viên tự do và theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, ông Weber có thể trở thành lãnh đạo EP.
Theo thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU, bà Kristalina Georgieva - nghị sĩ người Bulgaria của EPP sẽ có thể trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu thay ông Donald Tusk.
PHONG LAN