Hộ tống tàu ở vùng Vịnh: Châu Âu khó tìm tiếng nói chung

.

Châu Âu đang chia rẽ xung quanh kế hoạch hộ tống tàu ở vùng Vịnh. Anh muốn sứ mệnh này có sự hỗ trợ của Mỹ, trong khi Pháp và Đức bác bỏ đề xuất của London.

Tàu HMS Montrose của Anh hiện diện ở vùng Vịnh. 	Ảnh: AFP
Tàu HMS Montrose của Anh hiện diện ở vùng Vịnh. Ảnh: AFP

Sứ mệnh hải quân do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz sau những vụ bắt bớ tàu chở dầu mà Iran bị quy trách nhiệm. Ý tưởng này được Anh đề xuất sau khi tàu Stena Impero của nước này bị Iran bắt giữ hồi giữa tháng 7 vì cáo buộc “vi phạm luật hàng hải quốc tế”. Ban đầu, theo Anh, sứ mệnh hộ tống tàu không liên quan trực tiếp đến EU hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc Mỹ, mà có thể do Bộ chỉ huy liên quân Pháp - Anh điều hành. Anh có một căn cứ hải quân ở Oman và Pháp có một căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thuận lợi cho nhiệm vụ mới này. Pháp, Ý, Đan Mạnh ngay lập tức ủng hộ sáng kiến của Anh.

Tuy nhiên, giờ đây, tân Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng, sứ mệnh hộ tống tàu chở dầu ở vùng Vịnh sẽ không khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi muốn chứng kiến bước tiếp cận do châu Âu dẫn đầu, nhưng dường như không khả thi nếu không có sự trợ giúp của Mỹ”, ông Raab phát biểu với báo The Times.

Theo tờ The Telegraph, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Vương quốc Anh dưới thời tân Thủ tướng Boris Johnson đang xích lại gần Mỹ. Quan điểm của ông Raab cũng trái với Ngoại trưởng tiền nhiệm Jeremy Hunt, vốn đề xuất sứ mệnh hải quân của châu Âu độc lập với chiến dịch Sentinel của Mỹ. Cả hai sứ mệnh đều nhằm bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền di chuyển qua eo biển Hormuz trước các mối đe dọa của Iran. Song, chiến dịch Sentinel là một phần trong kế hoạch gây áp lực tối đa lên Iran, buộc chính phủ Tehran phải tính toán lại chương trình hạt nhân và các vấn đề khác ở khu vực Trung Đông. Washington đã mời các nước như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, Na Uy và Hàn Quốc tham gia liên minh quốc tế trong chiến dịch Sentinel, theo đó tăng cường an ninh ở vịnh Persian, eo biển Hormuz, eo biển Bab el-Mandeb và vịnh Oman. Mỹ chịu trách nhiệm điều phối, cung cấp thông tin giám sát hoạt động của các tàu tại vịnh Persian; các nước tham gia chiến dịch điều động tàu chiến để bảo vệ tàu hàng có dấu hiệu gặp nguy hiểm. Song, Washington chưa nhận được phản hồi tích cực từ các nước.

Trong khi đó, Pháp và Đức nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào của châu Âu cũng phải độc lập với Mỹ. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: “Chúng ta phải thể hiện rõ chúng ta không tham gia chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ” và Berlin sẽ không quyết định tham gia nỗ lực của hải quân cho đến khi xác định rõ sứ mệnh nói trên. Pháp cũng cho rằng, sứ mệnh của châu Âu sẽ “trái ngược với sáng kiến của Mỹ” và không có ý khiêu khích Iran trong lúc Paris, Berlin và London đều muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tàu khu trục HMS Duncan của Anh sẽ đến eo biển Hormuz và sau đó thay thế tàu khu trục HMS Montrose để hộ tống các tàu của xứ sở sương mù đi qua vùng biển chiến lược này. Theo thống kê, mỗi ngày có từ 15-30 tàu lớn treo cờ Anh đi qua vùng Vịnh, trong đó có 3 tàu qua eo biển Hormuz.

Về phía Iran, nước này bác bỏ tất cả các đề xuất của cả Mỹ lẫn Anh, đồng thời yêu cầu lực lượng của các cường quốc nên rời khỏi tuyến đường tàu hàng lưu thông ở khu vực. Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri cảnh báo, việc thành lập liên minh quốc tế bảo vệ vùng Vịnh sẽ mang tới bất ổn.

Chưa rõ cuộc họp của Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran tại Vienna (Áo) ngày 28-7 mang lại kết quả như thế nào trong việc duy trì JCPOA, nhưng đề xuất của London đang làm chia rẽ châu Âu, đó là chưa nói đến việc Mỹ chỉ hướng đến lợi ích của cường quốc này khi muốn lập liên minh do Washington dẫn đầu. Hơn nữa, các nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran với Mỹ và với Anh, Tehran sẽ có biện pháp cứng rắn để bảo vệ eo biển Hormuz. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuần trước cũng nhấn mạnh, Tehran sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ hành vi quấy nhiễu nào đối với tàu thuyền tại tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chủ chốt.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.