Khe cửa hẹp cho đàm phán hạt nhân Iran

.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump khẳng định, cơ hội đàm phán với Iran đang giảm dần trong lúc căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh. Ông thậm chí gọi Iran là “Nhà nước khủng bố” hàng đầu thế giới.

Trực thăng MH-60S Sea Hawk của Mỹ đáp trên boong tàu tấn công đổ bộ USS Boxer ở vịnh Arab.   Ảnh: Nikken Asian Review
Trực thăng MH-60S Sea Hawk của Mỹ đáp trên boong tàu tấn công đổ bộ USS Boxer ở vịnh Arab. Ảnh: Nikken Asian Review

Phát biểu với báo giới cùng với Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang có chuyến thăm Mỹ ngày 22-7 (sáng 23-7, giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đề cập hàng loạt vụ việc xảy ra thời gian gần đây ở vùng Vịnh có liên quan Iran, trong đó có các vụ bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và Iran. Người đứng đầu Nhà Trắng cáo buộc Iran bịa đặt khi đưa ra thông tin nước Cộng hòa Hồi giáo bắt giữ 17 gián điệp làm việc cho CIA, bịa đặt cả thông tin Tehran “không mất máy bay không người lái nào”.

Ông Trump cho rằng, Iran có “nhiều vấn đề” và ông sẽ ngồi lại, chờ đợi xem Tehran có đồng ý đàm phán để hạn chế chương trình hạt nhân cùng các hoạt động khác hay không, nhưng Washington khó tìm tiếng nói chung với quốc gia Trung Đông này. “Thực sự rất khó để tôi tiến đến thỏa thuận với Iran vì họ cư xử quá kém”, ông Trump nói.

Theo hãng AFP, Tổng thống Trump cũng dùng những lời lẽ đe dọa khi nhấn mạnh Mỹ “sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất”, đồng thời gọi Iran là “nhà nước khủng bố số 1 thế giới”. Như vậy, ông Trump đang đứng trước hai sự lựa chọn trong chính sách với Iran: chiến tranh hay ngoại giao. Tháng 6 vừa qua, sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, ông Trump suýt phát động cuộc chiến nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông đã ra lệnh tấn công nhưng rồi ngay lập tức rút lại lệnh này.

Chuyên gia Barbara Slavin tại Hội đồng Atlantic ở Washington cho rằng, có thể dự đoán được căng thẳng vùng Vịnh leo thang ở mức độ nào, nhất là khi Mỹ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran nhằm đưa lượng xuất khẩu dầu mỏ của Tehran về con số 0. “Điều này dẫn đến việc Iran sẽ đáp trả”, chuyên gia Slavin nói.

Nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao đều nhận định: Đối với Iran, mục đích trên hết khi đẩy căng thẳng gia tăng như hiện nay là tìm “sự sống còn” trên mặt trận kinh tế bởi tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu thô. Nếu hủy bỏ quy chế miễn trừ trừng phạt với các quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu thô, hoặc ít nhất là nới lỏng lệnh trừng phạt Iran thì sẽ có thể tháo gỡ khủng hoảng.

Nhóm Khủng hoảng quốc tế - tổ chức có nhiệm vụ ngăn chặn xung đột - chỉ trích “chiến lược gây áp lực tối đa” của ông Trump lên Iran, cho rằng giải pháp này tạo ra “rủi ro tối đa và kết quả tối thiểu”. Theo AFP, nhiều nhà quan sát cũng đặt ra câu hỏi nhà lãnh đạo Mỹ thực sự muốn gì khi chấp thuận cuộc gặp giữa Thượng nghị sĩ Rand Paul - người phản đối Washington can thiệp quân sự, với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Phải chăng có con đường để tiến đến một thỏa thuận mới, thay thế thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)? Chuyên gia Slavin nói rằng, mục tiêu đạt được thỏa thuận mới sẽ không thành công.

Mỹ có thể tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty nước ngoài tiếp tục giao dịch với Iran và những nhân vật quan trọng như Ngoại trưởng Zarif. Phần lớn các biện pháp trừng phạt đã mang lại hiệu quả, riêng “mục tiêu làm suy yếu Iran và hủy hoại thỏa thuận hạt nhân sẽ không mang lại kết quả tốt”, như nhận định của bà Slavin.

Ngày 28-7 tới, Iran sẽ tham dự cuộc họp các nhà ngoại giao của những nước tham gia ký kết JCPOA tại Vienna (Áo), bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, trong lúc các bên đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận lịch sử này. Đến nay, Iran chưa công bố cụ thể bước đi tiếp theo, nhưng nước này nhiều lần nhấn mạnh có thể được đảo ngược hành động “trong vòng vài giờ đồng hồ” nếu các đối tác châu Âu thực hiện các cam kết.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.