Mỹ tuyên bố sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên.
Cho dù giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên gặp bất kỳ trở ngại nào, Trung Quốc muốn được tham gia. Ảnh: Xinhua |
Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) trích lời đặc phái viên Mỹ nói với Bắc Kinh trong cuộc điện đàm hôm 5-7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tuần trước tại khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6-7, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun chủ động gọi cho Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ ông Biegun đã thông báo về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom.
Ông Luo cho biết diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề Bán đảo Triều Tiên là chìa khóa thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và Trung Quốc ủng hộ việc Mỹ và Triều Tiên duy trì các kênh liên lạc mở.
“Chúng tôi hy vọng hai bên gặp nhau và nối lại các cuộc tham vấn sớm nhất có thể, dựa trên sự đồng thuận mà hai nhà lãnh đạo đạt được”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập.
Cuộc điện đàm được tiến hành sau một loạt sự kiện xảy ra trong vài tuần trở lại đây bắn tín hiệu lạc quan về một màn tái khởi động đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Khi Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Nhà Tự do ở DMZ ngăn cách hai miền Triều Tiên, ông nói hai bên sẽ khởi động đàm phán cấp chuyên viên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong 2-3 tuần tới, nhấn mạnh thêm không vội để đạt thỏa thuận và các lệnh trừng phạt lên quốc gia Đông Bắc Á vẫn được duy trì.
Đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên bị đình trệ từ hồi đầu năm. Ảnh: AP |
Theo giới quan sát, về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán với loạt động thái ngoại giao gần đây của ông.
Sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Bình Nhưỡng tháng trước, khoảng thời gian ông cam kết ủng hộ chương trình an ninh và phát triển của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Bình Nhưỡng quyết tâm phi hạt nhân hóa và Trung Quốc khẳng định giúp họ tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Tiếp đến, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ở Osaka (Nhật Bản), Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Tổng thống Trump hãy linh hoạt và xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Chủ tịch Tập Cận Bình hối thúc người đồng cấp Trump cân nhắc nới lỏng trừng phạt với Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ ràng Bắc Kinh muốn đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề Triều Tiên, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc quốc gia tỷ dân này thực sự ảnh hưởng thế nào đến quá trình đàm phán.
“Trung Quốc nhận ra bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa là rất nguy hiểm vì Triều Tiên sẽ tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân. Hạt nhân không còn chỉ là vấn đề của riêng Triều Tiên và Mỹ. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Triều Tiên và Mỹ là hai nhân tố chính trong các cuộc đàm phán, trong khi Trung Quốc là một bên liên quan quan trọng. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không vắng mặt trong các cuộc thảo luận liên quan đến lợi ích an ninh của chính họ”, ông Zhang Liangui, chuyên gia về các vấn đề của Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, nhận định.
Triều Tiên muốn có một cách tiếp cận “có giai đoạn và đồng bộ” đối với phi hạt nhân hóa. Nhưng để cách tiếp cận đó hiệu quả, cần phải đạt được một điều kiện tiên quyết là Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Chỉ sau khi cam kết này được xác nhận, cách tiếp cận theo giai đoạn và đồng bộ mới có giá trị và ý nghĩa”, chuyên gia Zhang kết luận.
Zhao Tong - nghiên cứu viên tại Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua - thì cho rằng dưới bất kỳ hình thức đàm phán nào giữa Mỹ và Triều Tiên, vai trò của Bắc Kinh vẫn bị hạn chế.
“Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc nhận ra đối thoại trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ là yếu tố then chốt. Bắc Kinh sẽ không thể tạo ảnh hưởng đối với chiến lược đàm phán cho dù của Mỹ hay Triều Tiên”.
Theo Báo Tin tức