Mỹ vẫn gây sức ép tối đa với Iran

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Iran đang “đùa với lửa” khi gia tăng lượng dự trữ uranium làm giàu vượt giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tổng thống Iran Hassan Rohani (thứ hai, từ phải sang) nghe giải thích về những thành tựu trong lĩnh vực hạt nhân của nước này. 	Ảnh: AP
Tổng thống Iran Hassan Rohani (thứ hai, từ phải sang) nghe giải thích về những thành tựu trong lĩnh vực hạt nhân của nước này. Ảnh: AP

Với Iran, Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì sức ép bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và sự hiện diện quân đội Mỹ ở vịnh Persian. Giờ đây, ông cảnh báo các nhà lãnh đạo Iran đang “đùa với lửa”. “Họ biết họ đang làm gì… Tôi nghĩ rằng họ đang đùa với lửa”, ông Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng.

Năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), đồng thời áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu thô và các giao dịch tài chính của Tehran. Động thái này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran. Căng thẳng thêm leo thang từ tháng trước sau các vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh và vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.

Ngày 8-5-2019, Iran tuyên bố không tuân thủ giới hạn dự trữ uranium làm giàu và nước nặng, theo đó sẽ làm giàu uranium trên mức 3,67% mà thỏa thuận cho phép kể từ ngày 7-7. Thực chất, Iran muốn gây sức ép với các bên tham gia JCPOA (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) để cứu vãn thỏa thuận lịch sử này. Iran dọa ngừng các cam kết trong thỏa thuận nếu các đối tác còn lại không giúp nước Cộng hòa Hồi giáo lách lệnh trừng phạt, nhất là việc bán dầu, vốn gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế. Song, châu Âu dường như bất lực trước nguy cơ thỏa thuận sụp đổ.  

JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu uranium mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và thấp hơn tỷ lệ 20% mà Tehran đã thực hiện trước khi ký thỏa thuận với các cường quốc. Ngoài ra, Iran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp, tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể bán ra nước ngoài.

Hãng AP dẫn tuyên bố của Nhà Trắng rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời cam kết tiếp tục gây “sức ép tối đa”, mặc dù Tehran luôn bác bỏ việc nước này có ý định phát triển bom nguyên tử. Cảnh báo mới nhất của Tổng thống Mỹ cùng các quan chức Nhà Trắng được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif xác nhận với hãng thông tấn ISNA rằng, lượng dự trữ uranium làm giàu của Iran đã vượt phạm vi giới hạn của JCPOA.

“Sức ép tối đa sẽ được duy trì đối với Iran cho đến khi các nhà lãnh đạo nước này thay đổi tiến trình hành động”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran dùng chương trình hạt nhân để “ép buộc cộng đồng quốc tế và đe dọa an ninh khu vực”. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng xác nhận Iran đã vượt quá giới hạn làm giàu uranium.

Trong khi đó, Israel thúc giục các nước châu Âu trừng phạt Iran. Còn Nga cho rằng, động thái của Iran là hệ quả từ áp lực của Mỹ. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo phải tuân thủ các cam kết của thỏa thuận. Song, Ngoại trưởng Iran Zarif nhấn mạnh, nước ông không vi phạm JCPOA, mà chỉ thực hiện quyền phản hồi đối với việc “rút lui” của Mỹ, và Iran sẽ đảo ngược quyết định ngay khi E3 (bao gồm Anh, Pháp, Đức) tuân thủ các nghĩa vụ.

Theo hãng Reuters, động thái của Iran có thể gây ra những hậu quả khó lường về ngoại giao ở thời điểm các nước châu Âu đang cố gắng kéo Washington và Tehran ra khỏi một cuộc đối đầu. Cách đây gần 2 tuần, chính Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích Iran và rút lại lệnh này trước giờ tấn công chỉ 10 phút.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn nhận, việc ông Trump rút khỏi JCPOA khiến Iran khởi động lại chương trình hạt nhân và trở nên mạnh mẽ hơn. “Chính sách về Iran của ông Trump khiến chúng tôi rời xa đồng minh và đến bên bờ một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông”, ông Biden nói. Song, việc Tổng thống Trump cứng rắn với Iran cũng là điều dễ hiểu, bởi các nhà lãnh đạo Tehran sẽ khó mặn mà đàm phán với Mỹ, dù ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.