Cuộc khủng hoảng giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh của Washington không chỉ vấn đề hạt nhân, mà còn xuất hiện nguy cơ “cuộc chiến tàu dầu” ở eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chủ chốt của thế giới.
Mối lo ngại về an toàn vận chuyển dầu mỏ tại Trung Đông gia tăng nhanh chóng sau hàng loạt vụ tấn công các tàu chở dầu mà Iran bị cho là thủ phạm. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công Tehran nhưng ông rút lại lệnh này ngay lập tức.
Tiếp đó là căng thẳng giữa Iran và Anh, đồng minh thân thiết của Mỹ xung quanh những vụ bắt bớ tàu chở dầu; rồi Washington tuyên bố bắn hạ 2 máy bay không người lái của Tehran với lý do tiếp cận tàu đổ bộ tấn công của Mỹ trong “giới hạn không an toàn”.
Mỹ cũng điều tàu sân bay và tàu chiến tới vùng Vịnh trong nhiều tháng qua; trong đó, việc bảo vệ an ninh ở eo biển Hormuz là ưu tiên của Washington. Tuy nhiên, kênh RT (Nga) cho biết, Tổng thống Trump đã đăng trên mạng xã hội Twitter: “Trung Quốc nhận 91% dầu mỏ từ eo biển Hormuz, Nhật Bản nhận 61%, trong khi nhiều quốc gia khác cũng tương tự. Vậy tại sao chúng ta phải bảo vệ tuyến đường biển cho những quốc gia khác trong nhiều năm mà chẳng nhận được gì?”. Nói cách khác, nếu các nước muốn Mỹ bảo vệ an toàn các tàu dầu đi qua eo biển Hormuz thì phải trả tiền (!?).
Trong một động thái khác, Anh, Pháp và Đức đang lên kế hoạch hình thành một lực lượng quân sự đến eo biển Hormuz làm nhiệm vụ bảo vệ tàu dầu. Mỹ cũng đang thúc đẩy sáng kiến đa phương do cường quốc này đứng đầu, gọi là chiến dịch Sentinel, nhằm tăng cường bảo vệ khu vực hải phận chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen, trong bối cảnh có nhiều sự cố đối với các tàu chở dầu xảy ra.
Song, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri cảnh báo, một liên minh quốc tế bảo vệ vùng Vịnh sẽ mang tới bất ổn. “Không cần lập liên minh bởi liên minh kiểu này và sự hiện diện của người nước ngoài ở khu vực sẽ tạo ra bất ổn. Gia tăng bất ổn sẽ không đạt được điều gì cả”, ông Jahangiri nói. Trong lúc châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, các quốc gia ở “lục địa già” này dường như không mặn mà với sáng kiến của Mỹ. Vì vậy, Mỹ muốn vận động các nước châu Á tham gia liên minh nhưng chỉ nhận được những câu trả lời “lấp lửng” từ các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ…
Việc xuất hiện lực lượng quân sự tới eo biển Hormuz chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự nếu các bên không kiềm chế. Nhật báo Le Figaro (Pháp) dẫn một nguồn tin thân cận ở Teheran cho biết, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã có chiến lược gồm 3 giai đoạn. Hiện nay, IRGC kiểm soát sở hữu chủ các tàu đi vào eo biển Hormu; giai đoạn tiếp theo là đóng cửa eo biển với các địch thủ, chỉ cho các tàu nước bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vào. Cuối cùng, nếu bị tấn công, Iran sẽ đóng hẳn eo biển Hormuz và phản công từ vùng duyên hải. Ngược lại, Mỹ từng cảnh báo, nếu eo biển Hormuz bị Iran phong tỏa thì Washington sẽ giải tỏa bằng vũ lực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo của ông không muốn gây căng thẳng với các nước châu Âu và sẵn sàng đàm phán nhưng không có nghĩa sẽ nhượng bộ, hàm ý ông muốn nói đến việc đàm phán có thể diễn ra với Mỹ. Căng thẳng tại vùng Vịnh vẫn đang leo thang với mối quan ngại Iran và Mỹ có thể rơi vào một cuộc chiến tranh.
Nhiều nước cũng lo rằng, bất kỳ sự tính toán nhầm lẫn nào hoặc sự can dự của nước thứ ba nào cũng sẽ dễ đến xung đột. Bằng chứng rõ nhất là Anh đang muốn giảm căng thẳng nên cử một nhà trung gian hòa giải tới Iran để thảo luận về việc trả tự do cho một tàu chở dầu treo cờ Anh bị Tehran bắt giữ.
TUYẾT MINH