Nhật Bản - Hàn Quốc: Căng thẳng từ ngoại giao sang thương mại

.

Việc Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình làm dấy lên căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á sau những tranh cãi ngoại giao liên quan vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Hàn Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng thương mại mặc dù Tổng thống Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Abe Shinzo gặp gỡ vui vẻ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tháng 6.  Ảnh: AFP
Hàn Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng thương mại mặc dù Tổng thống Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Abe Shinzo gặp gỡ vui vẻ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tháng 6. Ảnh: AFP

Phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc ngày 10-7, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, việc Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang xứ sở kim chi đối với 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình, bao gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) gây ra “tình trạng khẩn cấp chưa từng có”, dẫn đến tổn hại kinh tế vì mục đích chính trị. Theo quy định mới, khi xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu nói trên, các công ty Nhật Bản phải xin cấp phép cho từng hợp đồng.

Tổng thống Moon cũng gặp gỡ các giám đốc điều hành của Samsung Electronics, SK Hynix, Hyundai Motor và Lotte để bàn thảo về khủng hoảng khi quyết định của Nhật Bản được cho là không những gây thiệt hại đến nền kinh tế của Hàn Quốc, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử toàn cầu. “Chính phủ của chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề bằng ngoại giao. Tôi hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ đáp lại”, ông Moon nói và kêu gọi Nhật Bản không để căng thẳng đi đến “đường cùng”.

Nhật Bản cung cấp 94% số vật liệu nói trên cho Hàn Quốc và các gã khổng lồ công nghệ của xứ sở kim chi sẽ khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế. Seoul cho rằng, động thái của Tokyo vi phạm luật quốc tế và đã đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tokyo nêu lý do của lệnh hạn chế là “niềm tin bị tổn hại”. Nhưng theo Đại sứ Hàn Quốc Paik Ji-ah, không có quy định nào của WTO cho phép các quốc gia áp đặt kiểm soát xuất khẩu với lý do như thế.

Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản Junichi Ihara giải thích, đây không phải là cấm vận thương mại, mà đơn thuần chỉ thay đổi thủ tục, đánh giá hoạt động cần thiết để kiểm soát xuất khẩu dựa trên các mối quan tâm an ninh của Tokyo, chứ không nhằm đối phó với nước láng giềng Hàn Quốc. Tại cuộc họp báo ngày 10-7, Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cũng nói rằng, lệnh hạn chế cần thiết để quản lý xuất khẩu vì mục đích an ninh.  

Căng thẳng thương mại bắt nguồn từ phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi tháng 10-2018 yêu cầu Công ty Nippon Steel của Nhật Bản bồi thường cho những công dân Hàn từng bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến thứ hai. Nhật Bản luôn khẳng định, các vấn đề bồi thường thiệt hại thời chiến đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký năm 1965 và Tokyo đã bồi thường 500 triệu USD.

Cẳng thẳng còn gia tăng khi một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản cho rằng, một số lượng hydrogen fluoride xuất khẩu sang Hàn Quốc đã được chuyển đến CHDCND Triều Tiên dùng để chế tạo bom hóa học, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Seoul tức giận bác bỏ “những cáo buộc vô căn cứ” và nhấn mạnh động thái của Tokyo chẳng qua nhằm trả đũa phán quyết của tòa án.

Hàn Quốc đã chuẩn bị cho mọi tình huống, nhất là kịch bản tranh cãi thương mại song phương kéo dài, theo đó tác động đến chuỗi cung ứng chip điện tử toàn cầu, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới như Apple và Huawei. Song, theo GS. Ryo Hinata-Yamaguchi tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), cả hai nước láng giềng Đông Bắc Á sẽ chịu thiệt hại bởi Nhật Bản là nguồn cung quan trọng của Hàn Quốc và Seoul là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Tokyo.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.