Việc Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ mạnh mẽ đề nghị của tân Thủ tướng Boris Johnson đàm phán về một thỏa thuận mới cho cuộc “ly hôn” nhiều trắc trở giữa Anh với khối là thất bại đầu tiên của ông khi vừa nhậm chức.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề Brexit. Ảnh: Getty Images |
Hãng tin Bloomberg cho rằng, dù tân Thủ tướng Boris Johnson không cho biết ông dùng kế hoạch nào cho vấn đề Brexit, nhưng tuyên bố của nhà lãnh đạo mới này tại Quốc hội vào ngày 25-7 cho thấy ý tưởng về kế hoạch A, nghĩa là chuẩn bị việc nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội trên cương vị Thủ tướng, ông Johnson cam kết chuẩn bị kịch bản Brexit không thỏa thuận mặc dù bản thân ông không muốn điều này, và hàm ý việc xem xét khả năng tổ chức bầu cử. “Chúng ta có một nhiệm vụ quan trọng phía trước. Vào thời điểm then chốt trong lịch sử đất nước, tất cả chúng ta cam kết sẽ rời EU vào ngày 31-10 hoặc sớm hơn… Trong 98 ngày còn lại, chúng ta phải chuẩn bị để bảo đảm cuộc sống của chúng ta ít bị gián đoạn”, ông Johnson nhấn mạnh.
Tân Thủ tướng Anh cũng nói rằng, những điều khoản trong thỏa thuận mà EU đã ký với người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May hồi cuối năm ngoái là không thể chấp nhận được. Ông muốn xóa bỏ điều khoản “chốt chặn cuối cùng”, nếu không Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận. Điều khoản này được xem là giải pháp cuối cùng nhằm tránh việc tái thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU).
Tuy nhiên, nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier ngay lập tức bác bỏ đề xuất của ông Johnson, đồng thời khẳng định EU chưa bao giờ muốn Anh rời “mái nhà chung” trong tình trạng “tay trắng”, nhưng khối này luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản. Chủ tịch Ủy ban châu Âu sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker cũng nhắc đến thỏa thuận đã ký là tốt nhất và duy nhất.
Khả năng tái đàm phán thỏa thuận Brexit với EU hiện rất mơ hồ. Tính đến nay, EU chưa từng nhượng bộ trước những đề xuất của Anh liên quan việc đàm phán lại thỏa thuận Brexit để tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế văn bản vốn đã bị Quốc hội bác bỏ 3 lần. Lập trường cứng rắn của EU khiến chính trường Anh rối loạn, Brexit bị trì hoãn đến hai lần và bà May phải từ chức. Lần này, nếu vẫn không bên nào chịu nhượng bộ, Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận để bảo đảm thương mại xuyên biên giới và trật tự của thị trường.
Đó là chưa kể Thủ tướng Johnson còn đối mặt với những trở ngại trước sự phân cực sâu sắc ngay trong nội bộ nước Anh xung quanh vấn đề Brexit không thỏa thuận. Nhiều thành viên Quốc hội phản đối việc “tay trắng” rời liên minh và tuyên bố họ sẽ bỏ phiếu ngăn chặn tình trạng này. Thêm vào đó, hơn một nửa số thành viên nội các cũ vừa bị ông Johnson sa thải có thể chống lại ông. Theo hãng Bloomberg, ông chủ mới của nhà số 10 phố Downing có thể phải kêu gọi bầu cử để tháo gỡ bế tắc và chính các đồng minh của ông cũng đang có hướng tổ chức bầu cử sớm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh Brexit đầy ảm đạm, bầu cử sớm chẳng khác gì một canh bạc bởi kết quả rất khó đoán và chưa hẳn đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ giành thắng lợi. Theo các cuộc thăm dò, Công đảng đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ với 23%, đảng Bảo thủ xếp thứ hai với 22%, đảng Brexit 21%, và đảng Dân chủ Tự do 19%.
THIÊN BÌNH