"Trận đấu thế kỷ" còn nhiều ẩn số

.

Chính phủ Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong hơn một năm qua và được đánh giá là “trận đấu thế kỷ”.

Ở hiệp một, Mỹ - Trung tấn công lẫn nhau bằng “công cụ thuế quan” lên đến hàng trăm tỷ USD. Mỹ đến nay đã áp thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi tháng 12-2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã “tạm đình chiến” để bước vào các cuộc đàm phán song phương nhằm giải quyết các bất đồng.

Qua 9 vòng đàm phán, Mỹ - Trung đã đạt được những thỏa thuận căn bản về thương mại. Tuy nhiên, trước vài ngày diễn ra vòng đàm phán thứ 10 tại Washington hồi tháng 5-2019, Trung Quốc gửi đến Mỹ danh sách điều khoản đã nhất trí phải sửa đổi và ngay lập tức gây căng thẳng cho vòng đàm phán để rồi lại rơi vào bế tắc.

Ở hiệp hai, ngay sau cuộc đàm phán thứ 10 thất bại, Mỹ cảnh báo áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị hơn 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc… Đồng thời, Mỹ cũng nhằm vào một số công ty hàng đầu của Trung Quốc, như các hãng công nghệ (Huawei là ví dụ điển hình). Trung Quốc cũng nói sẽ áp thuế hàng hóa nhập từ Mỹ và sử dụng “đất hiếm” làm đòn đáp trả.

Thế nhưng, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình thống nhất “tạm đình chiến” để đàm phán. Đặc biệt, ông Trump tuyên bố sẽ đảo ngược sắc lệnh hành pháp hiện hành về việc cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei, nhưng vấn đề của gã khổng lồ công nghệ này sẽ chỉ được giải quyết dứt điểm khi kết thúc các cuộc đàm phán.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, bầu không khí căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới chỉ tạm dịu trong thời gian ngắn; những bất đồng vẫn sẽ kéo dài và khó có thể giải quyết bởi đây không chỉ là vấn đề thương mại.

Chuyên gia Guillermo Santa Cruz từ Phòng Thương mại Trung Quốc - Argentina cho rằng, đằng sau những bất đồng về thương mại chính là sự nổi lên của Trung Quốc là quốc gia có tiềm năng thực sự thách thức quyền lực tối cao của Mỹ. Theo ông Cruz, kết quả tốt nhất là hai bên tìm được cách thức hợp tác và giải quyết những vấn đề chính gây ảnh hưởng tới hai nước cũng như phần còn lại của thế giới, trong đó có biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân…

Ông Cruz cũng lưu ý, các tổ chức đa phương cần bảo đảm rằng, các quy tắc làm nền tảng cho thương mại tự do phải được tuân thủ khi các nước đang hướng tới một thế giới có sự phân bổ quyền lực cân bằng hơn, nơi không có quốc gia nào có khả năng tự xử lý các vấn đề đó.

Còn chiến lược gia đầu tư cấp cao từ Ngân hàng OCBC Vasu Menon cho rằng, thỏa thuận “đình chiến” sẽ có tác động tích cực đối với thị trường trong thời gian ngắn và hiện chưa rõ hai bên có thể đạt được thỏa thuận lâu dài hơn hay không. Vì vậy, đối với các nhà đầu tư, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có khiến Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm khả năng cắt giảm lãi suất.

Như vậy, hiệp hai của “trận đấu thế kỷ” tạm dừng để tìm kiếm thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng chưa rõ bao giờ mới kết thúc cuộc chiến thuế. Ông Trump thể hiện “chẳng vội vàng gì” và điều mà ông mong muốn không phải “thỏa thuận 50-50”, mà là thỏa thuận dĩ nhiên phải có lợi cho nước Mỹ, nhưng ông Tập Cận Bình cũng không muốn Trung Quốc bị thiệt hại.

Điều đó cho thấy, Mỹ - Trung không dễ dàng đạt được thỏa thuận thương mại một sớm một chiều. Vì thế, cuộc “tạm đình chiến” lần này còn nhiều ẩn số và chưa ai có thể dự đoán được bao giờ cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới mới chấm dứt.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.