Triều Tiên phóng tên lửa: Đàm phán hạt nhân gặp khó

.

Việc CHDCND Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản vào ngày 25-7 là dấu hiệu cho thấy nước này tức giận về kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Song, động thái của Bình Nhưỡng phủ bóng lên khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Washington.

Triều Tiên phóng tên lửa trong cuộc tập trận quân sự vào tháng 5-2019.       Ảnh: Reuters
Triều Tiên phóng tên lửa trong cuộc tập trận quân sự vào tháng 5-2019. Ảnh: Reuters

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ ở Bàn Môn Điếm - khu vực biên giới liên Triều, thống nhất khôi phục đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Tuy chưa có thông tin về thời điểm bắt đầu nối lại đàm phán cấp chuyên viên (có thể vào giữa tháng 7 theo tiết lộ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo), nhưng thời gian gần đây, Triều Tiên bày tỏ không hài lòng về kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 8. Vì vậy, việc phóng 2 tên lửa vào sáng 25-7 (một tên lửa bay hơn 430km, một tên lửa bay hơn 690km và dường như là “một loại tên lửa mới”) là thông điệp mạnh mẽ của Bình Nhưỡng gửi đến cả Washington lẫn Seoul. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc còn xác nhận, một trong hai tên lửa được phóng là loại “chưa từng thấy”.

Hãng AFP cho biết, động thái của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton gặp gỡ các quan chức cấp cao Hàn Quốc ở Seoul. Nhà phân tích Cheong Seong-chang tại Viện Sejong cũng mô tả, đây là “thông điệp mạnh mẽ”, một phần phản ứng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc tập trận quân sự chung. Mỹ hiện có 30.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và các cuộc tập trận thường niên giữa hai nước thường làm Bình Nhưỡng tức giận. Thậm chí, theo AFP, các nhà phân tích khác còn cho rằng, tập trận Mỹ - Hàn chỉ tạo ra tiền đề để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình phát triển vũ khí.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc Hong Min cho rằng, các vụ phóng tên lửa ngày 25-7 là một phần trong kế hoạch lớn hơn thuộc chương trình tên lửa tiên tiến của Triều Tiên, chứ không đơn thuần là phản ứng của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận. Minh chứng cho nhận định nói trên chính là những hình ảnh được báo chí Triều Tiên công bố trong tuần này về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một tàu ngầm mới có khả năng mang tên lửa, bởi điều này làm dấy lên quan ngại Bình Nhưỡng vẫn thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Hàn Quốc và Nhật Bản ngay lập tức lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bà Choi Hyun-soo thúc giục nước láng giềng phía bắc “ngừng hành động vốn không giúp tháo gỡ căng thẳng quân sự”. Seoul xem việc phóng tên lửa là “mối đe dọa quân sự và hành động hủy hoại những nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Nhật Bản gọi việc phóng tên lửa là “vô cùng đáng tiếc”, đồng thời khẳng định các tên lửa không tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và không ảnh hưởng an ninh quốc gia của Tokyo.

Hồi tháng 5, Triều Tiên cũng phóng tên lửa tầm ngắn tương tự. Lúc đó, Tổng thống Donald Trump nói rằng, sự việc vẫn nằm trong “tiêu chuẩn” và không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Việc nhà lãnh đạo Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên vào ngày 30-6 mang đến những hy vọng về khả năng sớm nối lại đàm phán Mỹ - Triều và mở ra cơ hội chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ngày 22-7, ông Trump một lần nữa xác nhận, Triều Tiên tiếp tục tuân thủ cam kết của ông Kim Jong-un. Song đến nay, phía Washington vẫn đặt điều kiện tiên quyết rằng, Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Báo The Telegraph của Anh bình luận, việc Triều Tiên phóng 2 tên lửa là dấu hiệu cho thấy nước này mất kiên nhẫn khi đàm phán với Mỹ vẫn không có tiến triển. Nhưng nếu chính thức được xác nhận là tên lửa đạn đạo, vụ phóng của Triều Tiên ngày 25-7 vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn cấm Bình Nhưỡng thử bất kỳ loại tên lửa đạn đạo nào.

Theo cựu đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Kim Hong-kyun, có thể Triều Tiên muốn gửi thông điệp hàm ý rằng, nếu Mỹ không có lập trường linh hoạt hơn trong đàm phán thì cũng sẽ không có các cuộc gặp gỡ cấp chuyên viên giữa hai nước.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.