Ngày 31-7, phát biểu từ thủ đô Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ông vẫn hy vọng nhanh chóng nối lại các vòng đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNN |
Theo Financial Review, phát biểu khi đang có mặt tại Thái Lan dự một diễn đàn an ninh khu vực, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng ông hy vọng đàm phán hạt nhân sẽ sớm được nối lại, bất chấp việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử vũ khí trong mấy ngày gần đây, động thái phủ bóng đen lên triển vọng trở lại bàn đàm phán.
Ông Pompeo nói với các phóng viên rằng một số công việc trù bị liên quan tới vòng đám phán mới đã được triển khai, song ngày giờ cụ thể chưa được hai bên ấn định.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố ông vẫn đang chờ xem Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho có tới Bangkok dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hay không, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ có cuộc gặp tại đây nếu người đồng cấp Ri Yong-ho xuất hiện. Tuần trước, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ ông Ri Yong-ho đã hủy chuyến đi Thái Lan, song thông tin này chưa được xác nhận.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Mất thêm chút thời gian. Một chút công việc sơ bộ để triển khai. Tôi không muốn ấn định một ngày nào đó, song tôi hy vọng không quá lâu nữa chúng tôi sẽ chứng kiến Đặc phái viên Biegun ngồi lại với một đối tác mới bên phía Triều Tiên”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của nước này, Đặc phái viên phụ trách chính sách với Triều Tiên Stephen Biegun, cũng có mặt ở Bangkok để xúc tiến các cuộc thảo luận liên quan tới Triều Tiên. Nguồn tin không cho biết thêm chi tiết. Trong quá khứ, Diễn đàn Khu vực ASEAN thường là một diễn đàn diễn ra các cuộc thảo luận liên quan tới Mỹ và Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, trên màn hình TV) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Khu phi quân sự Panmunjom ngày 30-6-2019. Ảnh: Yonhap |
Các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận như mong đợi. Hai bên không đã không đạt thỏa hiệp về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, Bình Nhưỡng muốn được nới lỏng đáng kể các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon. Washington muốn nhiều hơn trước khi đưa ra nhượng bộ như vậy.
Hy vọng nối lại đối thoại được nhen nhóm sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp bất ngờ tại biên giới liên Triều ngày 30-6 vừa qua và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên.
Ngày 30-7, Reuters đưa tin một quan chức cấp cao Triều Tiên đã nói với người đối tác bên phía Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cuối tuần trước rằng vòng đàm phán cấp chuyên viên về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington sẽ được nối lại rất sớm.
Trong ảnh (do Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên phát ngày 26-7-2019): Tên lửa tầm ngắn được phóng thử trên Bán đảo Hodo, gần thị trấn ven biển phía Đông Wonsan của Triều Tiên ngày 25-7-2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử vũ khí trong 1 tuần trở lại đây khiến dư luận quan ngại triển vọng khôi phục đàm phán với Mỹ. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo các vật thể bay mà Triều Tiên phóng ra khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này sáng 31-7 chính là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Theo JCS, các tên lửa này được phóng đi từ Bán đảo Hodo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở bờ biển phía Đông Triều Tiên và bay khoảng 250km trước khi rơi xuống biển. Các chuyên gia thuộc JCS cũng cho rằng loại tên lửa được phóng sáng 31-7 khác với những tên lửa mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm trước đó.
Trong thông báo ngày 31-7, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước đó cùng ngày có thể cản trở các nỗ lực đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định nước này vẫn tìm kiếm cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên mà không kèm điều kiện tiên quyết, bất chấp việc Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa ra vùng Biển Nhật Bản.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được phát trên màn hình vô tuyến tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31-7-2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong vòng một tuần, dư luận đang dấy lên nghi ngờ về triển vọng đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên, mặc dù hai bên đã nhất trí khôi phục các cuộc đối thoại.
Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra bình luận gì về vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng và cách đây 6 ngày, ông Trump cũng khẳng định "không cảm thấy tức giận" trước động thái của Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30-7 tuyên bố, Washington đã biết việc Triều Tiên phóng tên lửa và sẽ tiếp tục giám sát tình hình.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày vào chiều 31-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tiến hành các nỗ lực tích cực để thúc đẩy phi hạt nhân hóa cũng như đạt được hòa bình và ổn định lâu dài.
Theo Báo Tin tức