Anh đối mặt tình trạng khẩn cấp

.

Hơn 100 nghị sĩ đã viết thư gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson, cho rằng đất nước này đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia và thúc giục ông triệu tập các cuộc họp Quốc hội để bàn thảo vấn đề Brexit.

Những người biểu tình dắt cừu trên đường phố trung tâm London vào ngày 15-8 nhằm phản đối Brexit. Nước Anh có thể đối mặt tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men… nếu rời EU mà không có thỏa thuận.  Ảnh: AP
Những người biểu tình dắt cừu trên đường phố trung tâm London vào ngày 15-8 nhằm phản đối Brexit. Nước Anh có thể đối mặt tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men… nếu rời EU mà không có thỏa thuận. Ảnh: AP

Kể từ lúc nhậm chức Thủ tướng Anh vào ngày 24-7 đến nay, ông Boris Johnson dường như chưa có một ngày êm ả khi vấn đề Brexit vẫn rối như tơ vò. Hãng Reuters cho rằng, chính phủ mới thành lập đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng hiến pháp và cuộc đối đầu không khoan nhượng với Liên minh châu Âu (EU). 

Ngày 18-8, hơn 100 nghị sĩ viết thư thúc giục Thủ tướng Johnson yêu cầu các nhà lập pháp kết thúc kỳ nghỉ hè và trở lại làm việc thường trực để bàn thảo về vấn đề Brexit. Trong khi đó, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ trở lại làm việc vào ngày 3-9. Hãng AFP cho biết, trong thư, các nghị sĩ viết: “Đất nước của chúng ta đang bên bờ khủng hoảng kinh tế khi chúng ta hướng tới Brexit không thỏa thuận… Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia và Quốc hội phải được triệu tập trở lại ngay”. Trong số những nghị sĩ ký tên gửi bức thư nói trên có các lãnh đạo đảng đối lập, những người muốn ngăn chặn việc nước Anh rời EU.

Thủ tướng Johnson kiên quyết đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10 dù có đạt thỏa thuận hay không, trừ khi khối này đồng ý đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” vốn đạt được dưới thời bà Theresa May hồi tháng 11-2018. Hiện EU vẫn từ chối đàm phán lại, trong đó có “điều khoản chốt chặn cuối cùng” về đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) với Cộng hòa Ireland (thuộc EU).

Văn phòng Thủ tướng Anh dẫn lời ông Johnson nói rằng, Quốc hội không thể ngăn chặn tiến trình Brexit. Chủ trương của nhà lãnh đạo này và kịch bản Brexit không thỏa thuận ngày càng rõ nét khiến chính trường Anh thêm chia rẽ. Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đang thúc đẩy cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Thủ tướng Johnson sau khi Quốc hội nhóm họp trở lại. Ông Corbyn muốn làm Thủ tướng lâm thời, đồng thời gia hạn thời điểm rời EU để ngăn Brexit không thỏa thuận, sau đó sẽ kêu gọi tổng tuyển cử. Tuy nhiên, hãng AFP dẫn kết quả thăm dò dư luận do YouGov thực hiện cho thấy, 48% số người dân Anh được hỏi bày tỏ ủng hộ Brexit không thỏa thuận hơn là việc ông Corbyn nắm quyền lãnh đạo đất nước và tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit; chỉ 35% ủng hộ ông Corbyn làm Thủ tướng và cuộc trưng cầu dân ý.

Chưa rõ các nghị sĩ có thống nhất hoặc dùng quyền của mình để ngăn nước Anh rời EU vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận hay không. Song, phe đối lập cho rằng, việc không có thỏa thuận sẽ là thảm họa đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất của phương Tây. “Ly hôn” không thỏa thuận sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu; tạo ra những cơn dư chấn đối với thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế của London là trung tâm tài chính ưu việt của thế giới… Báo Sunday Times ngày 18-8 dẫn tài liệu bị rò rỉ của Văn phòng chính phủ Anh cũng cảnh báo, xứ sở sương mù sẽ đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men; tình trạng lộn xộn tại các cửa khẩu và có thể phải thiết lập “biên giới cứng” với Cộng hòa Ireland nếu “tay trắng” rời EU. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng bác bỏ những quan ngại này và khẳng định chính phủ sẽ “chuẩn bị đầy đủ để rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31-10”.

Từ ngày 24 đến 26-8, trong chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên, Thủ tướng Johnson sẽ đến Biarritz (Pháp) để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7). Theo đó, ông sẽ khẳng định với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, không thể ngăn cản Brexit và một thỏa thuận mới phải được thống nhất nếu muốn tránh kịch bản nước Anh rời “mái nhà chung” mà không có thỏa thuận. Chính phủ Đức từng khẳng định, nước này muốn Anh rời EU một cách có trật tự và Brexit không thỏa thuận sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Vì vậy, ông Johnson có thể tranh thủ tìm tiếng nói chung tại Biarritz về việc đàm phán lại với EU.

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.