Căng thẳng ở vùng Vịnh chưa hạ nhiệt

.

Căng thẳng tại vùng Vịnh tiếp tục gia tăng khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích Mỹ bán vũ khí cho các đồng minh ở khu vực này, biến nơi đây thành “mồi lửa sẵn sàng bùng cháy”.

Ngày 12-8, Anh cử tàu chiến HMS Kent (ảnh) đến vịnh Persian để tham gia sáng kiến an ninh hàng hải của Mỹ. 	Ảnh: AFP
Ngày 12-8, Anh cử tàu chiến HMS Kent (ảnh) đến vịnh Persian để tham gia sáng kiến an ninh hàng hải của Mỹ. Ảnh: AFP

Phát biểu với đài Al Jazeera của Qatar trong lúc có chuyến thăm nước này ngày 12-8 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho biết, Mỹ đã bán vũ khí trị giá 50 tỷ USD cho vùng Vịnh hồi năm ngoái. “Một số quốc gia ở khu vực có ít hơn 1/3 dân số của chúng tôi đã chi 87 tỷ USD cho việc mua sắm quân sự”, ông Zarif nói và cáo buộc Mỹ biến vùng Vịnh thành “mồi lửa sẵn sàng bùng cháy” vì chứa đầy “vũ khí” của Washington và đồng minh.

Theo hãng AFP, Qatar - đồng minh thân thiết của Mỹ - là nơi có sự hiện diện căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Song, Qatar cũng duy trì mối quan hệ hữu nghị với Iran. Năm 2017, trong lúc bị các nước láng giềng Arab cô lập, Qatar chi 12 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. Song, Doha đang cố gắng không bị cuốn vào căng thẳng đang leo thang giữa Washington và Tehran.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng kể từ năm ngoái, thời điểm Tổng thống Donald Trump đơn phương rút cường quốc hàng đầu thế giới khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), đồng thời tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Mỹ hiện duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” để buộc Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân và quân sự. Washington cũng đang tìm kiếm liên minh quốc tế nhằm bảo vệ các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz - tuyến đường then chốt vận chuyển lượng dầu của thế giới - sau những vụ tấn công và bắt bớ tàu chở dầu mà Tehran bị cho là có liên quan.

Sứ mệnh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu có sự tham gia của Anh, bất chấp sự phản đối gay gắt từ Iran. Ngày 12-8, Anh cử tàu chiến HMS Kent đến vịnh Persian để tham gia sáng kiến của Mỹ. Trong lúc đó, các quan chức Iran đã liên hệ với giới chức Anh để bảo đảm việc phóng thích tàu chở dầu Grace 1 của Tehran, bị Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ ở ngoài khơi lãnh thổ Gilbraltar (vùng lãnh thổ Anh) tại Địa Trung Hải hồi đầu tháng 7 do nghi ngờ chở dầu đến Syria, vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Hai tuần sau đó, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở gần eo biển Hormuz. Tòa án ở Gilbraltar sẽ quyết định số phận của Grace 1 vào ngày 15-8 khi hết thời hạn giam giữ tàu này.

Anh tham gia sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu trong việc hộ tống tàu chở dầu. Song, động thái này không đồng nghĩa với việc Anh sẽ ủng hộ chính sách cứng rắn của Washington trừng phạt Iran, bởi London không muốn đối lập với các cường quốc châu Âu khác vốn muốn cứu JCPOA. Ngoại trưởng Zarif cho rằng, eo biển Hormuz vốn hẹp và sẽ kém an toàn hơn khi các tàu nước ngoài tăng cường hiện diện tại đây.

Iraq vốn có quan hệ tốt với cả Mỹ lẫn Iran khuyến cáo, việc phương Tây phát triển lực lượng sẽ làm căng thẳng ở khu vực gia tăng. “Các quốc gia vùng Vịnh có thể cùng nhau bảo đảm việc đi lại của các tàu”, Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim viết trên Twitter.

Giới phân tích vẫn lo sợ chiến tranh Mỹ - Iran sẽ nổ ra mặc dù cả hai nước đều có những động thái hết sức thận trọng để tránh một kịch bản tồi tệ. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây đã kêu gọi Mỹ thay đổi chính sách tại Trung Đông và có những động thái để vùng Vịnh không thành “mồi lửa” dễ cháy.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.