Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi việc Nhật Bản siết chặt hơn các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào nước ông là “cuộc chơi không ai thắng”. Trong khi đó, Nhật Bản có động thái “hạ nhiệt” căng thẳng bằng việc “bật đèn xanh” xuất khẩu lô hàng nguyên liệu đầu tiên phục vụ sản xuất thiết bị bán dẫn sang Hàn Quốc.
Người dân Hàn Quốc tuần hành gần Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul nhằm phản đối việc Tokyo hạn chế xuất khẩu. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dấy lên từ đầu tháng 7 khi chính phủ Tokyo siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu 3 loại nguyên liệu sang Hàn Quốc, bao gồm: fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) sử dụng để sản xuất màn hình smartphone; hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) sử dụng trong sản xuất thiết bị bán dẫn.
Theo đó, từ ngày 4-7, các công ty Nhật Bản phải nộp đơn xin giấy phép cho từng hợp đồng để xuất khẩu các nguyên liệu này sang phía Hàn Quốc. Quy định mới nói trên được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tập đoàn công nghệ của xứ sở kim chi như Samsung Electronics, SK Hynix, LG Electronics…
Không những thế, chính phủ Nhật Bản còn đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các nước hưởng quy chế ưu đãi thương mại từ ngày 28-8. Như vậy, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản có quyền yêu cầu kiểm tra gần như tất cả hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Cố vấn Kinh tế quốc gia ở Nhà Xanh ngày 8-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ trích động thái của Nhật Bản, gọi những gì Tokyo tạo ra là “cuộc chơi không ai thắng” bởi “bất kỳ ai, kể cả chính Nhật Bản, cũng đều trở thành nạn nhân”.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, việc Nhật Bản siết chặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ làm suy yếu sự tín nhiệm quốc tế của chính nước này vì sử dụng lợi thế công nghiệp làm vũ khí chống lại quốc gia khác. Ông Moon cũng đặt ra vấn đề: Nhật Bản sẽ được gì từ “biện pháp đơn phương” nói trên?
Theo Tổng thống Moon, quyết định của Tokyo là sự trả đũa kinh tế liên quan phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên thời điểm trước và trong Thế chiến thứ hai.
Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965, theo đó Tokyo bồi thường bằng việc hỗ trợ tài chính 500 triệu USD. Tokyo cũng cho rằng, Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul và loại nước láng giềng này khỏi “Danh sách Trắng” là vì quan ngại an ninh quốc gia, chứ không nhằm đáp trả phán quyết của Tòa án Hàn Quốc. “Chính phủ Hàn Quốc xem động thái của chúng tôi là lệnh cấm xuất khẩu, đó là sự chỉ trích không công bằng”, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko nói.
Trong động thái “hạ nhiệt” căng thẳng, ngày 8-8, Nhật Bản cấp giấy phép xuất khẩu lô vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, đây là vật liệu cản quang (EUV) có vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip điện tử của những công ty như Samsung. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận thông tin này trong cuộc họp báo ở Tokyo. Song, Tokyo đồng thời cảnh báo lệnh hạn chế xuất khẩu có thể được mở rộng đối với các mặt hàng khác.
Hãng tin AP cho rằng, Nhật Bản muốn xoa dịu phản ứng tức giận của Hàn Quốc và chứng minh không có lệnh cấm thương mại. Dù vậy, việc Tokyo vừa cấp phép xuất khẩu, vừa đưa ra cảnh báo như thế cho thấy nước này chưa sẵn sàng ngừng hoàn toàn xuất khẩu sang Seoul.
Các nhà quan sát đã đề cập những thiệt hại mà cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc hứng chịu khi hai đồng minh của Mỹ - hai quốc gia vùng Đông Bắc Á căng thẳng về thương mại, thậm chí gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn toàn cầu, làm giảm doanh thu từ các khách hàng lớn Hàn Quốc. Chính Nhật Bản cũng đang chịu thiệt hại khi làn sóng tẩy chay hàng hóa nước này dấy lên ở Hàn Quốc. Như thế, trong “cuộc chiến thương mại” (theo cách gọi của tạp chí Diplomat) giữa Nhật và Hàn, không ai là người thắng cuộc.
PHÚC KHANG