Iran đã đặt điều kiện đàm phán với Mỹ bất kể Washington có tham gia thỏa thuận hạt nhân hay không. Theo đó, cánh cửa đàm phán vẫn hé mở trong lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran đang leo thang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mike Pompeo muốn duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran. Ảnh: USA Today |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa đặt điều kiện đàm phán với Mỹ, đó là Washington phải hủy bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt và chấm dứt kiểu hành xử “bắt nạt”. “Hòa bình với Iran là mẹ của tất cả các loại hòa bình. Chiến tranh với Iran là mẹ của mọi cuộc chiến tranh”, ông Rouhani nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này còn phát biểu: “Các ngài không thể nói rằng, các ngài không cho phép chúng tôi xuất khẩu dầu mỏ”.
Giới chức Iran cũng tuyên bố sẽ tập trận hải quân chung với Nga vào cuối năm nay sau khi hai nước ký thỏa thuận. Mặc dù Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi chưa cho biết địa điểm diễn ra tập trận nhưng ông nói rằng cuộc diễn tập có thể được tiến hành ở eo biển Hormuz - nơi đang là tâm điểm căng thẳng giữa Iran với phương Tây sau hàng loạt vụ bắt bớ tàu chở dầu.
Theo báo The Telegraph, căng thẳng giữa Iran và phương Tây dấy lên từ năm 2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCOPA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Căng thẳng ngày càng leo thang sau hàng loạt vụ việc như Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau; Tehran rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép; thời gian gần đây là những vụ bắt các tàu chở dầu ở vùng Vịnh.
Không những thế, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei; Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cùng một số quan chức cấp cao khác của nước này. Với động thái này của Mỹ, Iran chỉ trích Washington đã đóng vĩnh viễn cánh cửa ngoại giao giữa hai nước. Mới đây, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Majid Takht-Ravanchi cáo buộc Mỹ “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế” khi “đóng băng” bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của ông Zarif tại Mỹ hoặc do các thực thể Mỹ nắm quyền kiểm soát, đồng thời hạn chế đi lại đối với nhà ngoại giao này. Ông Ravanchi đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngăn chặn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Zarif.
Trong khi đó, tại thủ đô Tehran, Tổng thống Rouhani để ngỏ đàm phán, nói rằng ông muốn chọn hòa bình, nhưng Iran chỉ đàm phán khi tất cả biện pháp trừng phạt được hủy bỏ. Mới đây, nhà lãnh đạo Iran mới đây tuyên bố, nước ông đã thay đổi cách tiếp cận từ “kiên nhẫn chiến lược” sang “hành động tương xứng” để đáp trả việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở vùng Vịnh với một liên minh quốc tế và chiến dịch gây sức ép tối đa lên Tehran.
Theo báo USA Today, chiến dịch của Mỹ đối với Iran nhằm vào 2 mục tiêu: thứ nhất đánh vào ngành dầu mỏ của Tehran, thứ hai buộc Đại giáo chủ Ali Khamenei ngồi vào bàn đàm phán để tìm một thỏa thuận tốt hơn JCOPA. Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở khu vực. Tại Yemen, Mỹ cáo buộc Iran cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện các chiến binh Houthi. Tại Syria, Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tại Lebanon, Washington còn tố Iran dùng Hezbollah để gây xung đột với các nước láng giềng của Lebanon…
Ngày 6-8, Iran phô diễn 3 tên lửa dẫn đường mới với hàm ý rằng, nước này sẵn sàng phòng vệ khi đối mặt với “âm mưu” của Mỹ. Song, theo các nhà phân tích, chính Iran cũng không muốn chiến tranh xảy ra với cường quốc hàng đầu thế giới. Vì vậy, Tổng thống Rouhani một mặt vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, một mặt tuyên bố cứng rắn như “dùng dầu đổi dầu, chiến tranh đổi chiến tranh” để buộc Washington nhượng bộ, nhất là khi không thể trông chờ các nước châu Âu để cứu vãn JCOPA. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không dễ dàng hủy bỏ lệnh trừng phạt Iran, quốc gia mà Washington xem là “mối đe dọa” ở Trung Đông.
THIÊN BÌNH