Với việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung từ ngày 5-8, phải chăng cơ hội đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang vơi dần?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ ở biên giới liên Triều ngày 30-6 vừa qua. Ảnh: Reuters |
Các Ngoại trưởng tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) tuần qua đã hoan nghênh cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khu vực biên giới liên Triều vào ngày 30-6 vừa qua, đồng thời mong muốn hai nước sớm nối lại đàm phán hạt nhân. Song, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến công cán ở Thái Lan với niềm hy vọng nối lại đàm phán hạt nhân cùng Triều Tiên vơi đi rất nhiều.
Trong 3 ngày Ngoại trưởng Pompeo ở Bangkok, Triều Tiên đã tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn - lần phóng thứ ba của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng một tuần, bất chấp việc nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi một cuộc gặp giữa hai nước ở Bangkok. Điều này làm dấy lên quan ngại về việc khó đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa. “Con đường ngoại giao thường gặp nhiều khó khăn”, ông Pompeo phát biểu và cho biết các cuộc liên lạc “hậu trường” vẫn diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên.
Song, ông Pompeo cũng bày tỏ sự thất vọng khi Bình Nhưỡng không cử Ngoại trưởng hoặc quan chức cấp tương đương với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ đến Bangkok. Thành ra, ông Pompeo chưa hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của chuyến công du Bangkok. Một quan chức Mỹ nói rằng, Triều Tiên đã bỏ lỡ cơ hội và sự vắng mặt của Bình Nhưỡng tại ARF có thể gây tổn hại cho lợi ích của chính quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á này.
Trong lúc đó, theo hãng thông tấn KCNA, Triều Tiên không ngần ngại xác nhận, nước này đã tiếp tục thử nghiệm hệ thống tên lửa mới trong những vụ phóng được tiến hành hôm 2-8 dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhằm kiểm tra những khả năng của hệ thống này, chẳng hạn như tầm bay và kiểm soát đường đạn. Các nhà quan sát cho rằng, việc liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn thể hiện sự bất bình của Triều Tiên khi Hàn Quốc mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ và chuẩn bị cuộc tập trận chung mang tên Dong Maeng với đồng minh Washington từ ngày 5-8. Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần khi diễn ra có thể tiếp tục vấp phải phản ứng của Bình Nhưỡng và càng phủ bóng lên triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
Về phía Tổng thống Donald Trump, ông tuyên bố chấp nhận các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên kể từ tháng 5 vừa qua với mong muốn hai nước sẽ tham gia đàm phán. “Những vụ thử tên lửa này không vi phạm thỏa thuận của chúng tôi ở Singapore”, ông Trump viết trên Twitter, hàm ý nhắc đến cam kết của ông Kim Jong-un về việc ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa trong hội nghị thượng đỉnh lần 1 hồi tháng 6 năm ngoái.
Dù ông chủ Nhà Trắng cho rằng, các vụ thử tên lửa vẫn nằm trong “tiêu chuẩn”, nhưng trên phương diện nào đó, theo giới phân tích, động thái của Bình Nhưỡng đang làm giảm sự lạc quan mới được nhen nhóm trở lại từ cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều hồi cuối tháng 6. GS. Sung-Yon Lee tại Trường Fletcher, thuộc Đại học Tufts (Mỹ) cho rằng, Mỹ đang trao cho Triều Tiên “tấm vé miễn phí” nhưng Bình Nhưỡng sẽ “bước xa” hơn nữa - có thể tiến đến thử tên lửa tầm trung và thậm chí tầm xa.
Giờ đây, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung, bất chấp những cảnh báo của Triều Tiên, nghĩa là Washington vi phạm thỏa thuận, thì chưa rõ đàm phán phi hạt nhân hóa có cơ hội nối lại hay không, dù chỉ ở cấp chuyên viên.
VĨNH AN