Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó có hồi kết

.

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp áp thuế trả đũa lẫn nhau làm cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới leo thang, khó có hồi kết, đồng thời phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp gỡ song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz (Pháp). Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp gỡ song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz (Pháp). Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng ra lệnh tăng thuế nhập khẩu lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tăng thuế từ 5% lên 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1-9. Cụ thể, Mỹ sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% với số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ ngày 1-10; 300 tỷ USD hàng hóa còn lại vốn dự kiến chịu mức thuế 10% thì sẽ bị áp thuế 15% từ tháng 12. Ông Trump cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ dừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để chuyển về nước hoặc chuẩn bị những phương án khác.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 25-8 khẳng định, cường quốc châu Á này sẽ chống lại động thái mới nhất của Nhà Trắng, đồng thời cho rằng các chính trị gia Mỹ tìm cách cản trở sự phát triển của Trung Quốc nên muốn dùng chiến thuật gây sức ép tối đa lên Bắc Kinh. “Mỹ sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến thương mại bởi những hệ quả mà nông dân và doanh nghiệp của họ đối mặt”, tờ Nhân dân Nhật báo viết. Với đòn trả đũa được Trung Quốc đưa ra vào cuối tuần qua, tổng cộng 5.078 mặt hàng Mỹ bị áp thuế, trong đó có nông sản, ô-tô và phụ tùng, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ…

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang làm nóng hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thành phố Biarritz (Pháp) từ ngày 24 đến 26-8. Các nhà lãnh đạo câu lạc bộ giàu có này không khỏi lo lắng về khả năng sụt giảm của kinh tế toàn cầu nếu Mỹ và Trung Quốc cứ “ăn miếng trả miếng” như vậy. Hãng AP cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “hạ nhiệt” thương chiến và cho rằng tất cả các bên đều thiệt hại trong cuộc chiến kéo dài này. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong buổi gặp gỡ và dùng điểm tâm cùng Tổng thống Trump đã nói: “Nhìn chung chúng tôi không thích thuế quan. Chúng tôi ủng hộ hòa bình thương mại”.

Theo AP, có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ có thể không đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang hơn nữa. Lần đầu tiên ông Trump thừa nhận cảm thấy rất tiếc khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đến mức căng thẳng như hiện tại. Ông chủ Nhà Trắng cho biết có thể sẽ “suy nghĩ lại” và hoãn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, vốn cho phép ông dùng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) ra lệnh các công ty Mỹ rời Trung Quốc. “Chúng tôi thiệt hại tổng cộng gần 1.000 tỷ USD/năm… Đó là tình trạng khẩn cấp”, ông Trump phát biểu tại Biarritz, đổ lỗi cho Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Theo các nhà phân tích của Trung Quốc, cuộc đối đầu về thương mại giữa hai siêu cường sẽ tác động đến hội nghị thượng đỉnh G7. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Wei Zongyou, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải) rằng, Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ông Wei Zongyou dự đoán chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế này sẽ leo thang và “triển vọng có một thỏa thuận trước bầu cử đang giảm dần”. Trong khi đó, ông Wang Huiyao, nhà sáng lập, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh nhận định, việc Mỹ áp đặt mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không nhận được sự ủng hộ tại các diễn đàn của G7 ở Biarritz.

Khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không hồi kết đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang suy yếu. Đầu tháng 5-2019, hai bên tiến rất gần thỏa thuận nhưng ông Trump cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ các cam kết mà họ đã thống nhất trước đó và áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các quan chức hai bên vào tháng 9 nhưng chưa rõ đàm phán có tiếp tục diễn ra sau những động thái “ăn miếng trả miếng” nói trên hay không. Ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ nhận định, căng thẳng thương mại leo thang không phải là tín hiệu tốt cho sự ổn định thị trường, niềm tin của nhà đầu tư hay công việc cho người Mỹ.

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.