Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại pháo đài Fort de Bregancon bên bờ Địa Trung Hải để bàn thảo về hàng loạt vấn đề của thế giới. Song, ông Macron chủ yếu muốn đóng vai trò xây dựng trong việc cải thiện quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) ngày 28-6-2019. Ảnh: Reuters |
Hãng AP cho biết, Tổng thống Macron chào đón Tổng thống Putin vào ngày 19-8 ngay trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7). Pháp hiện là Chủ tịch G7 (gồm Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Canada và Nhật Bản).
Hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn được hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga bàn thảo như các vấn đề Ukraine, Iran và Syria. Ông Macron dự kiến chia sẻ về kết quả cuộc gặp gỡ này khi các nhà lãnh đạo khác có mặt ở thành phố Biarritz của Pháp từ ngày 24 đến 26-8. Sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Nga bị loại khỏi G8. Song, năm ngoái, Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác trong G7 bày tỏ mong muốn khôi phục G8, với sự trở lại của Nga.
Cũng theo AP, Pháp muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột của Nga với Ukraine. Vì vậy, Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Moscow. Các công ty Pháp cũng đang thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan căng thẳng giữa Moscow với Kiev.
Nhà ngoại giao Pháp nói rằng, việc ông Volodymyr Zelenskiy đắc cử Tổng thống Ukraine mở ra cơ hội đàm phán để kết thúc cuộc xung đột ở đông Ukraine vốn làm hơn 13.000 người chết kể từ năm 2014. Tân Tổng thống Zelenskiy mong muốn nhanh chóng tổ chức cuộc gặp 4 bên, gồm ông Zelenskiy, Tổng thống Putin, Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel để tìm giải pháp hòa bình ở đông Ukraine.
Nga hiện để ngỏ cho một cuộc gặp như thế, nhưng thúc giục Ukraine trước hết phải tôn trọng thỏa thuận Minsk được ký năm 2015. Thỏa thuận Minsk được Pháp và Đức hậu thuẫn nhằm giảm căng thẳng, giao tranh, nhưng xung đột vẫn tiếp diễn. Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Pháp và Nga lần này sẽ dẫn đến những bước đi cụ thể để nối lại đàm phán 4 bên.
Xung quanh vấn đề hạt nhân Iran, Pháp muốn Nga dùng mối quan hệ thân thiết với Tehran để thúc đẩy giảm căng thẳng. Tổng thống Macron dẫn đầu nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ngoài ra, Nga, Anh, Trung Quốc và Đức cũng đều tham gia thỏa thuận này.
Đối với khủng hoảng Syria, Pháp muốn thuyết phục Tổng thống Putin dùng ảnh hưởng của ông để ngăn chặn chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tấn công Idlib, khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía tây bắc đất nước, nhằm tránh gây thương vong cho dân thường và những người tị nạn.
Các nhà quan sát cho rằng, với vị thế quan trọng của Nga trên trường quốc tế, Moscow không thể đứng ngoài cuộc trong việc bảo đảm an ninh tại châu Âu. Vì vậy, việc tái khởi động quan hệ Nga - EU là cần thiết. Theo AP, cuộc gặp ở Fort de Bregancon là cơ hội để Tổng thống Putin dần dần bình thường hóa quan hệ với EU. Ông Yuri Ushakov, cố vấn các vấn đề ngoại giao của Tổng thống Putin đánh giá cao vai trò xây dựng của Pháp trong những chuyển động của EU. Song, theo ông Ushakov, việc khôi phục toàn diện đối thoại giữa Nga và EU sẽ không dễ dàng bởi có hai bên có những lợi ích khác nhau.
Báo The Telegraph cho rằng, không nên đặt nhiều kỳ vọng vào những thỏa thuận đột phá giữa Pháp và Nga. Song, với thiện chí cùng những cái bắt tay thân mật giữa Tổng thống Macron và Tổng thống Putin, dù chuyến công du này của nhà lãnh đạo Điện Kremlin mang tính biểu tượng thì cũng tiếp tục tạo đà cho mối quan hệ song phương và ít nhiều “phá băng” trong quan hệ với EU.
PHÚC NGUYÊN