Việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào sáng 31-7 ngay trước thềm chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo có thể tác động đến triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát việc phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi tuần trước. Ảnh: KCNA/Reuters |
Các tên lửa được phóng ra khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên và bay khoảng 250km trước khi rơi xuống biển. Theo các chuyên gia vũ khí, hai tên lửa nói trên tương tự các tên lửa được phóng cách đây 6 ngày - loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn KN-23, còn gọi là tên lửa đạn đạo Iskander của Nga phiên bản Triều Tiên.
Hãng tin Bloomberg cho rằng, Triều Tiên chào đón chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo bằng việc thử tên lửa và cách thức chào đón này làm ông khó xử khi chính nhà ngoại giao này phát biểu tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) bày tỏ hy vọng đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều sớm được nối lại. Ông Pompeo đến Bangkok để tham dự hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực (ARF). Diễn đàn của ASEAN tại Bangkok là cơ hội để ông tổ chức đàm phán cấp chuyên viên với các quan chức Triều Tiên và vị Ngoại trưởng này đưa cả đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân của Mỹ, ông Stephen Biegun, đến Bangkok.
Tuy nhiên, các cuộc họp ARF ở Bangkok không có sự hiện diện của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho. Thay vào đó, Đại sứ Triều Tiên tại Thái Lan dự kiến có mặt, nhưng sẽ không có cuộc gặp nào với các quan chức Mỹ.
Theo các nhà quan sát, động thái phóng tên lửa của Bình Nhưỡng nhằm gia tăng áp lực với Mỹ khi hai nước đang thúc đẩy nối lại đàm phán hạt nhân ở cấp chuyên viên. Sau hơn một tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại khu vực phi quân sự chia tách hai miền vào ngày 30-6, với những diễn biến mới lần này, cơ hội đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên dường như xa dần. Nhà nghiên cứu Shin Bum-cheol tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cũng cho rằng, Triều Tiên đang tiếp tục gây áp lực với Mỹ để Washington có sự linh hoạt hơn trước khi hai bên đàm phán cấp chuyên viên.
Tổng thống Trump từng khẳng định sẽ không để các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên làm gián đoạn các cuộc đàm phán. Hồi tháng 4, ông Kim Jong-un cũng ra thời hạn cuối năm nay Mỹ phải “hành xử linh hoạt hơn” và yêu cầu này làm dấy lên quan ngại Bình Nhưỡng có thể nối lại việc thử hạt nhân trong năm 2020, năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kể từ ngày 30-6 đến nay, Triều Tiên công bố tàu ngầm mới do nước này chế tạo có thể mang theo 3 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (SLBM) cùng lúc. Bình Nhưỡng đã thử tổng cộng 4 tên lửa, đồng thời nhiều lần phản đối kế hoạch tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thể hiện mong muốn giữ gìn mối quan hệ với người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng ông thúc đẩy Washington phải thể hiện thiện chí hơn nữa trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không giúp ích cho các nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và có thể khiến đàm phán hạt nhân bế tắc. GS. Nam Chang-hee tại Đại học Inha (Hàn Quốc) không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng phóng tên lửa nhằm gửi thông điệp đến Seoul vì kế hoạch tập trận chung với Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Shin Bum-cheol, Triều Tiên nghĩ rằng, họ có thể chờ cơ hội đàm phán tốt hơn, nhất là khi gần đến cuối năm chính phủ Mỹ sẽ lo lắng về khả năng Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa. “Lúc đó, các quan chức Mỹ sẽ trở lại bàn đàm phán với cách tiếp cận linh hoạt hơn”, ông Shin nói.
PHÚC NGUYÊN