GSOMIA đổ vỡ, quan hệ Nhật - Hàn càng lao dốc

.

Việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản là động thái mới nhất trong hàng loạt biện pháp “ăn miếng trả miếng” khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Á lao dốc nhanh chóng.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) tuần này đã gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) tuần này đã gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AP

Ngày 23-8, Hàn Quốc tuyên bố sẽ chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản thông qua Mỹ sau khi Seoul ngừng tham gia GSOMIA. Quyết định này được đưa ra trong lúc căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước láng giềng, dấy lên từ khi Nhật Bản siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu 3 loại nguyên liệu sang Hàn Quốc, bao gồm: fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) sử dụng để sản xuất màn hình smartphone; hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) sử dụng trong sản xuất thiết bị bán dẫn.

Căng thẳng chính trị và thương mại đang lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm. Khi công bố rút khỏi GSOMIA, chính Hàn Quốc đã viện dẫn “sự thay đổi lớn” về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo, đồng thời cho rằng nước láng giềng đã phớt lờ việc Seoul nhiều lần đề nghị đối thoại để giải quyết vấn đề lao động bị cưỡng bức trong thời chiến tranh.

Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết GSOMIA năm 2016. Theo đó, hai nước chia sẻ trực tiếp những bí mật quân sự, nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. GSOMIA được tự động gia hạn hằng năm nhưng bất kỳ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24-8. Hãng AFP dẫn lời ông Kim Hyun-chong, quan chức an ninh quốc gia tại Nhà Xanh cho biết, giờ đây Hàn Quốc “tích cực sử dụng kênh chia sẻ thông tin 3 bên, với sự trung gian của Mỹ” (gọi là Hiệp ước chia sẻ thông tin 3 bên, TISA) để thay thế GSOMIA. Ông Kim cũng mô tả đây là cơ hội để “nâng cấp liên minh Mỹ - Hàn”.

Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo nhằm phản đối việc Seoul hủy GSOMIA. Ngày 23-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nói rằng, quyết định của Hàn Quốc là đáng tiếc và cho thấy phía Seoul không đánh giá cao mối đe dọa an ninh đang gia tăng từ Triều Tiên. “Các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia; hợp tác giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ là quan trọng”, ông Iwaya nói với báo giới, đồng thời thúc giục Seoul “có quyết định khôn ngoan”. Vị Bộ trưởng Nhật Bản cũng nhấn mạnh, hủy bỏ thỏa thuận sẽ chỉ làm hợp tác quốc phòng song phương khó khăn hơn. 

Vốn lo sợ sự hợp tác an ninh ở khu vực suy yếu, đồng thời xem việc chia sẻ thông tin tình báo là chìa khóa để phát triển chính sách và chiến lược phòng thủ chung, Mỹ bày tỏ thất vọng về quyết định của Hàn Quốc. Cả Tokyo lẫn Seoul đều là đồng minh chính của Washington trong lúc đối mặt với sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc cũng như chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Các nhà quan sát cho rằng, việc GSOMIA đổ vỡ không chỉ là đòn giáng vào quan hệ song phương Nhật - Hàn, mà còn hủy hoại quan hệ đối tác an ninh 3 bên (tức Nhật - Hàn và Mỹ).

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản nhận định, quyết định của Hàn Quốc cho thấy hai nước láng giềng không còn niềm tin lẫn nhau. Trong khi đó, nhà phân tích Tobias Harris của hãng tư vấn Teneo cho rằng, sự rạn nứt ngày càng lớn có thể làm phức tạp các nỗ lực đối phó với Triều Tiên nếu tiến trình ngoại giao đổ vỡ. Ông Harris nêu rõ, quan hệ Hàn - Nhật sẽ không thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “đóng băng” và tác động đến các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch; kéo dài những hoài nghi liên quan đến vấn đề lịch sử, an ninh quốc gia, lãnh thổ…

Hiện tại, làn sóng chống Nhật tiếp tục gia tăng ở Hàn Quốc với các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng hóa đến từ đất nước hoa anh đào. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng có thể chịu nhiều áp lực từ giới chính trị gia và người dân trong nước buộc ông có biện pháp đáp trả. Theo Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Choi Kang, Mỹ có thể đề xuất đối thoại 3 bên để tìm tiếng nói chung nhưng cuộc gặp gỡ như vậy không thể diễn ra một sớm một chiều.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.