Hàn Quốc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy

.

Chiều 12-8, Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo đã công bố "Dự thảo sửa đổi Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược" với nội dung xóa tên Nhật Bản trong "Danh sách Trắng" các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Bảng thông báo không bán, không mua các sản phẩm từ Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/7. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Bảng thông báo không bán, không mua các sản phẩm từ Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 16-7. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết theo dự thảo này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thay đổi phân loại về khu vực xuất khẩu vật tư chiến lược. Theo hướng dẫn hiện hành, Hàn Quốc phân loại các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu là "Khu vực A", tương đương với khái niệm "Danh sách Trắng", gồm các quốc gia tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế. Các nước còn lại được xếp vào "Khu vực B". Tuy nhiên, với nội dung thay đổi lần này, chính phủ phân nhỏ thành "Khu vực A-1", "Khu vực A-2" và "Khu vực B", tức chia thành ba khu vực.

"Khu vực A-2" sẽ bao gồm các nước mặc dù tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế, nhưng lại thực hiện không đúng chế độ kiểm soát xuất khẩu theo nguyên tắc quốc tế. Theo dự thảo trên, Nhật Bản bị xếp vào "Khu vực A-2".

Về nguyên tắc, Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ kiểm soát xuất khẩu với "Khu vực A-2" tương đương "Khu vực B", song có thể miễn một số hồ sơ đệ trình với các đơn hàng xuất khẩu riêng biệt. Nếu như "Khu vực A-1" được "cấp phép toàn diện" với các doanh nghiệp tham gia chương trình tuân thủ tự nguyện (CP), thì "Khu vực A-2" chỉ được cấp phép với một số trường hợp ngoại lệ.

Khi bị xếp vào "Khu vực A-2", hồ sơ đệ trình với mỗi đơn hàng cấp phép xuất khẩu sẽ phức tạp hơn, gồm 5 hồ sơ, thay vì chỉ 3 hồ sơ như "Khu vực A-1". Thời hạn thẩm định cũng dài hơn, trong khoảng 15 ngày, thay vì chỉ 5 ngày như "Khu vực A-1".

Bộ trưởng Sung Yun-mo nhấn mạnh chế độ kiểm soát xuất khẩu vật tư chiến lược cần phải được đảm bảo thực hiện phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế. Ông nêu rõ Hàn Quốc sẽ khó phối hợp chặt chẽ với những quốc gia liên tục đi ngược nguyên tắc quốc tế hoặc thực hiện một cách không phù hợp.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ thực thi nội dung sửa đổi trên trong tháng 9 tới, sau khi hoàn tất quy trình đăng công báo, thu thập ý kiến trong vòng 20 ngày, và các khâu thẩm định liên quan. Bộ trưởng Sung Yun-mo cho biết trong quá trình thu thập ý kiến, Seoul sẵn sàng thảo luận nếu có đề nghị từ Tokyo.

Trước đó, ngày 2-8 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/8 tới. Với quy định mới này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ được phép ra lệnh kiểm tra gần như tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Từ đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản bắt đầu siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại nguyên liệu, gồm photoresist, fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) và hydrogen fluoride là những nguyên liệu cốt yếu trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số. Theo quy định này, kể từ ngày 4-7, các công ty Nhật Bản phải xin cấp phép từng hợp đồng xuất khẩu các nguyên liệu này cho khách hàng Hàn Quốc. Các biện pháp này ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Theo TTXVN

 

;
;
.
.
.
.
.