Iran làm nóng diễn đàn G7

.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bất ngờ đến thành phố Biarritz, tây nam nước Pháp, theo lời mời của Tổng thống chủ nhà Emmanuel Macron để tham dự các cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7. Đây là nỗ lực của Pháp nhằm thúc đẩy Mỹ và Iran cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Tại Biarritz (Pháp), các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy Mỹ và Iran ngồi vào bàn đàm phán. 			Ảnh: AFP
Tại Biarritz (Pháp), các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy Mỹ và Iran ngồi vào bàn đàm phán. Ảnh: AFP

Sự hiện diện của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vào chiều 25-8 tại Biarritz (giờ địa phương) không được thông báo trước, song qua đó cho thấy Pháp - nước chủ nhà hội nghị G7 năm nay - nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Theo hãng tin AFP, ông Zarif không có cuộc gặp “mặt đối mặt” với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng việc hai ông cùng hiện diện ở thành phố Biarritz, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 24 đến 26-8, làm dấy lên hy vọng có thể xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ song phương.

Sau khi gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng nước chủ nhà Jean-Yves Le Drian cũng như các quan chức Anh, Đức, ông Zarif viết trên Twitter: “Con đường phía trước khó khăn, nhưng đáng để thử”.

Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Trump ngày 26-8 cho hay, ông đồng ý việc Ngoại trưởng Zarif đến hội nghị thượng đỉnh G7, đồng thời khẳng định không có ý định thay đổi chế độ ở Iran. Phát biểu này được cho là sự “hạ giọng” của ông chủ Nhà Trắng đối với nước Cộng hòa Hồi giáo và có thể giảm căng thẳng. Song, Tổng thống Trump nói rằng, còn “quá sớm” để ông gặp Ngoại trưởng Zarif, điều mà Washington quan tâm là tham vọng hạt nhân của Iran. “Những gì mà chúng tôi muốn rất đơn giản. Đó là không hạt nhân…”, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện -JCOPA) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia này. Tổng thống Macron cũng như các nhà lãnh đạo khác của G7 phản đối động thái của Mỹ và muốn cứu vãn thỏa thuận. Ông Macron lo ngại nếu JCOPA sụp đổ thì có thể càng biến Trung Đông thành “chảo lửa”. Tuy nhiên, chính sách “gây áp lực tối đa” của Washington nhằm vào Iran làm gia tăng nguy cơ xung đột ở khu vực này, nhất là sau những vụ bắt tàu chở dầu ở vùng Vịnh và Tehran rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất, tiến hành làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép.

Ngay trong bữa tiệc thân mật dành cho các nhà lãnh đạo G7 vào tối 24-8, Tổng thống Macron tuyên bố, tất cả các nước đều không muốn Iran sở hữu bom hạt nhân và không muốn chứng kiến bất ổn tại Trung Đông. Đến ngày 25-8, ông Macron cũng nói rằng, các bên cần thúc đẩy giải pháp nhằm tránh căng thẳng leo thang xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Điều mà người đứng đầu Điện Élysée mong muốn là Mỹ và Iran trở lại bàn đàm phán; tạo ra cơ chế bồi thường cho Tehran hoặc thuyết phục ông Trump nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Hãng Reuters cho rằng, với những thông điệp được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ dường như để ngỏ về chính sách ngoại giao với Iran. Song, ngoài những gì mang tính biểu tượng (việc ông Zarif đến Biarritz, việc ông Trump “hạ giọng”), liên quan vấn đề hạt nhân của Iran, vẫn chưa rõ tiến triển thật sự như thế nào. Hiện tại, Iran đặt điều kiện rằng, đến ngày 5-9, châu Âu phải có giải pháp cho JCOPA trước khi Tehran hủy bỏ thêm một số cam kết về hạn chế hoạt động hạt nhân.

Tuy nhiên, các quan chức Iran nói với hãng tin Reuters rằng, nước này muốn xuất khẩu ít nhất 700.000 thùng dầu/ngày và tối đa 1,5 triệu thùng dầu/ngày nếu phương Tây tìm kiếm đàm phán với Tehran để cứu thỏa thuận hạt nhân. Một trong những quan chức Iran còn nhắc lại quan điểm: không thể đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo.

Trong lúc đó, Mỹ không khẳng định sẽ nới lỏng bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Vì vậy, chuyến thăm kéo dài hơn 3 giờ của Ngoại trưởng Zarif chỉ mang đến chút hy vọng, chứ không thể “hạ nhiệt” căng thẳng và mở ra các cuộc đàm phán mới với Iran.

G7 gồm các nước: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ. Vấn đề thương mại là một trong những nội dung trọng tâm được các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-8 nói rằng, Trung Quốc đã liên lạc với các quan chức thương mại của nước ông để thông báo họ muốn trở lại bàn đàm phán, đồng thời gọi thông tin này là diễn biến rất tích cực đối với thế giới.

Cũng trong ngày 26-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành thêm nhiều bước đi nhằm bảo vệ lợi ích của mình nếu Mỹ triển khai áp thuế mới. Hãng Tân Hoa xã dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua đàm phán và kiên quyết phản đối cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang.

Trước đó, Trung Quốc quyết định tăng thuế từ 5% lên 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1-9. Đáp lại, Tổng thống Trump ra lệnh tăng thuế nhập khẩu lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.