Mỹ quyết xây dựng liên minh vùng Vịnh

.

Mỹ đang quyết tâm xây dựng liên minh để bảo vệ các tàu hàng ở vùng Vịnh, bất chấp sự thờ ơ từ các đồng minh châu Âu và châu Á cũng như phản ứng tức giận của Iran.

Anh đã điều tàu khu trục HMS Duncan đến vùng Vịnh để hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua eo biển Hormuz.			Ảnh: PA
Anh đã điều tàu khu trục HMS Duncan đến vùng Vịnh để hộ tống các tàu treo cờ Anh đi qua eo biển Hormuz. Ảnh: PA

Hãng AFP cho biết, Mỹ đang phát triển khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế mang tên “Chiến dịch canh gác” để bảo đảm an ninh ở vịnh Persian, eo biển Hormuz, eo biển Bab el-Mandeb và vịnh Oman. Trong chuyến thăm Úc vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập vấn đề này và mong muốn Canberra hỗ trợ.

Cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã mời Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Anh cùng nhiều nước khác tham gia liên minh quốc tế nhằm bảo vệ các tàu hàng qua eo biển Hormuz - nối vịnh Persian với vịnh Oman, đồng thời bảo đảm nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở. Các đồng minh của Mỹ lo ngại liên minh quốc tế ra đời sẽ càng đẩy căng thẳng với Iran leo thang.

Theo kế hoạch của Mỹ, mỗi quốc gia tham gia liên minh sẽ bảo đảm an toàn cho các tàu của chính nước này, với sự hỗ trợ an ninh và giám sát của Washington. Hiện chỉ Anh và Saudi Arabia cam kết sát cánh với “Chiến dịch canh gác” của Mỹ. Nhưng Anh chỉ “hiện diện quân sự vừa đủ” để bảo vệ tàu chở hàng của nước này. Còn Saudi Arabia tuần tra trong vùng biển của mình và vùng biển Yemen - nơi quốc gia Arab này đang theo đuổi cuộc chiến với phiến quân Houthi.

Trong khi đó, sau hàng loạt vụ bắt bớ các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, Anh, Pháp, Đức cũng có sáng kiến thành lập liên minh quốc tế riêng nhằm hợp tác, chia sẻ thông tin, bảo đảm an ninh hàng hải. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực tổ chức liên minh châu Âu, nhưng có một điều chắc chắn: hành động của chúng tôi sẽ chỉ có một mục tiêu giảm căng thẳng hiện tại và bảo vệ lợi ích của chính chúng tôi”.

Pháp đã từ chối tham gia liên minh của Mỹ. Đức cũng tuyên bố không tham gia sứ mệnh hải quân do Mỹ đứng đầu. Berlin muốn tránh căng thẳng leo thang ở Trung Đông và cho rằng chiến lược của Mỹ gia tăng áp lực đối đa nhằm vào Iran là sai lầm và cản trở những nỗ lực của châu Âu trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Tehran. Pháp và Đức đều là những đối tác trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Úc cũng chưa trả lời rõ ràng đối với đề nghị của Mỹ, ngoài việc Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds chỉ trích các vụ tấn công tàu chở dầu. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh châu Á của Mỹ - đã hàm ý từ chối liên minh quốc tế nói trên.

Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho hay, Tokyo muốn nỗ lực giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran trước khi phản hồi đề nghị của Washington về việc đưa lực lượng hải quân tham gia sứ mệnh chiến lược ở Trung Đông. Thủ tướng Abe từng lý giải, Nhật Bản có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Iran và ông đã gặp Tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo này nhiều lần cũng như các nhà lãnh đạo khác. Hơn nữa, với Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, việc đưa quân đội ra nước ngoài trong những chiến dịch quốc tế là điều khó khăn.

Về phía Iran, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran ngày 5-8, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho rằng, Mỹ không thể xây dựng liên minh quốc tế vì các đồng minh của Washington cảm thấy “xấu hổ” khi tham gia sứ mệnh này. “Ngày nay, Mỹ đơn độc trên thế giới và không thể tạo ra một liên minh”, ông Zarif nói và tuyên bố Iran sẽ rút khỏi JCPOA nếu các bên còn lại không bảo đảm lợi ích của Tehran.

Iran từ lâu đã dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi gần 20% lượng dầu thế giới đi qua. Chính phủ Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ và nhằm vào Ngoại trưởng Zarif để làm công cụ gây sức ép tối đa, buộc Tehran tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân. Nay không những JCPOA có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn mà Iran còn bị chỉ trích đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu. Giới quan sát cho rằng, những gì đang diễn ra ở vùng Vịnh cho thấy cơ hội đàm phán giữa Washington và Tehran rất mong manh.

PHÚC NGUYÊN  
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.