Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuyên bố, Washington sẵn sàng tham gia đàm phán cấp chuyên viên với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định không quan tâm đến đàm phán nếu Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì các mối đe dọa quân sự chống lại nước này.
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại căn cứ không quân Cheongju, cách thủ đô Seoul 140km về phía đông nam. Ảnh: Yonhap |
Ngày 22-8, Triều Tiên tuyên bố không đàm phán với Mỹ dưới “các mối đe dọa quân sự”, làm dấy lên những hoài nghi về triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân giữa hai nước. Trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA dẫn lời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc vi phạm các thỏa thuận liên Triều khi giới thiệu vũ khí công nghệ cao của Mỹ, đồng thời gọi hành động của Seoul là “sự khiêu khích nghiêm trọng”. “Chúng tôi vẫn không thay đổi quan điểm trong việc giải quyết tất cả vấn đề theo cách hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, nếu đàm phán kèm theo các mối đe dọa quân sự thì không có lợi cho chúng tôi”, người phát ngôn nêu rõ.
Tuyên bố nói trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi 2 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ được bổ sung đến Hàn Quốc, nâng tổng số máy bay chiến đấu tàng hình ở căn cứ không quân của quốc gia miền nam trên bán đảo Triều Tiên lên 6 chiếc. Cũng trong ngày 21-8, đang có chuyến công cán tại Hàn Quốc, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun khẳng định, Washington sẵn sàng nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Không những thế, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng đổ lỗi cho Mỹ và Hàn Quốc tăng cường “các hành động thù địch” chống Bình Nhưỡng, làm giảm động lực đàm phán, mặc dù sự hiện diện của ông Biegun tại Hàn Quốc được cho là tín hiệu lạc quan về việc Washington muốn thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi vụ thử tên lửa hành trình tầm trung của Mỹ mới đây và việc triển khai các máy bay F-35 ở khu vực là “nguy hiểm”, có thể “khơi mào cho một cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Kể từ cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 30-6 vừa qua tại khu vực phi quân sự, biên giới chia tách hai miền Triều Tiên, các quan chức hai nước vẫn chưa nhóm họp trở lại. Theo hãng tin Bloomberg, điều này cũng làm dấy lên hoài nghi về khả năng Mỹ - Triều nối lại đàm phán cấp chuyên viên như cam kết giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và yêu cầu chính phủ Mỹ đến cuối năm nay phải đưa ra “đề nghị tốt hơn” về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Hồi đầu tháng 8 này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng quá trình đàm phán cấp chuyên viên giữa nước này với Triều Tiên sẽ được nối lại, đồng thời khẳng định Washington đang lên kế hoạch xúc tiến đàm phán trong tương lai gần. Trả lời phỏng vấn đài CBS ngày 21-8, ông Pompeo thúc giục nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán và nói rằng điều này sẽ tốt hơn cho cả người dân Triều Tiên lẫn thế giới. Tổng thống Trump cũng lạc quan bác bỏ khả năng các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên có thể hủy hoại đàm phán.
Đặc phái viên Biegun sau cuộc gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon cho hay, Tổng thống Trump đã giao cho ông cùng các cộng sự nhiệm vụ tái khởi động đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên, để thực hiện thành công 4 cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore hồi năm ngoái. Ông Biegun kéo dài thêm 1 ngày ở Hàn Quốc, làm dấy lên đồn đoán rằng vị quan chức này đang nỗ lực có các cuộc tiếp xúc với Triều Tiên, có thể tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, bất chấp những cảnh báo của Triều Tiên, đàm phán Mỹ - Triều vẫn có những điều kiện chín muồi để diễn ra. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong cũng bày tỏ hy vọng sớm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa và các cuộc đối thoại sẽ diễn ra tốt đẹp. GS. Kim Dong yub (Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông, Trường đại học Kyungnam, Seoul) cho rằng, đàm phán Mỹ - Triều có thể bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
PHÚC NGUYÊN