Mỹ thúc đẩy cam kết bảo vệ đồng minh châu Á

.

Mỹ đã chính thức tuyên bố thúc đẩy kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á để bảo vệ đồng minh và chính phủ các nước sẽ quyết định có cho tên lửa hiện diện trên lãnh thổ của họ hay không.

Hệ thống tên lửa M270 khai hỏa trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Hàn Quốc ngày 15-9-2017. 	 Ảnh: Business Insider
Hệ thống tên lửa M270 khai hỏa trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Hàn Quốc ngày 15-9-2017. Ảnh: Business Insider

Thông tin về việc Mỹ thúc đẩy việc triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson đưa ra ngày 13-8. Đây là sự “xoay trục” của Mỹ sau khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn cấm Washington và Moscow phát triển, vận hành các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.

Kế hoạch triển khai tên lửa ở châu Á trước đó đã được tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố và Tham mưu trưởng lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley nhắc đến nhưng vấp phải phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Hồi đầu tháng 8 này, sau khi Mỹ rút khỏi INF, ông Esper cam kết cường quốc này sẽ bắt đầu thử nghiệm các tên lửa mới cũng như triển khai chúng trên khắp thế giới.

Tuy chính phủ Mỹ chưa tiết lộ việc chọn địa điểm để đặt tên lửa nhưng giới quan sát cho rằng, các đồng minh của Washington như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc là những ứng cử viên hàng đầu. Trong đó, Hàn Quốc - nơi 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú - nhiều khả năng được lựa chọn. Từ năm 2017, Hàn Quốc có sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ theo thỏa thuận được hai bên ký kết vào tháng 7-2016, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. THAAD được bố trí ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam, nhằm ngăn chặn tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, báo chí Triều Tiên ngày 14-8 cho rằng, bất kỳ động thái nào của Mỹ trong việc triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể khơi mào “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” và một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho hay, Mỹ đã chỉ rõ rằng nước này đang xem xét kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung đất đối đất ở châu Á và Hàn Quốc được chọn làm nơi triển khai. “Đây là hành động liều lĩnh làm căng thẳng khu vực leo thang, hành động có thể khơi mào Chiến tranh Lạnh kiểu mới và một cuộc chạy đua vũ trang ở vùng Viễn Đông…”, KCNA bình luận.
Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, có thể mất vài năm mới thực hiện được việc triển khai tên lửa ở châu Á.

Song, theo các nhà quan sát, Mỹ sẽ không chần chừ với kế hoạch này bởi liên quan đến lợi ích chiến lược của Washington. Hơn nữa, chính Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh, bất kỳ hành động triển khai tên lửa nào của nước ông cũng đều mang “tính phòng vệ”, cụ thể nhằm bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng với THAAD, hãng KCNA chỉ trích rằng, sự thật thì hệ thống này phục vụ mục đích kiềm chế các cường quốc và khẳng định tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của Washington ở Đông Bắc Á, chứ không phải nhằm “che chở cho Hàn Quốc khỏi mối đe dọa nào đó”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, Mỹ từ lâu muốn triển khai tên lửa tầm trung để chống lại kho vũ khí ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đương nhiên Bắc Kinh phản ứng gay gắt, đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả. Theo đó, bất kỳ nước nào chấp nhận cho tên lửa Mỹ hiện diện cũng sẽ đối mặt với sự trả đũa về ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh. Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bác bỏ việc nước này cho triển khai tên lửa của Mỹ. Hàn Quốc khẳng định chưa có bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào với Washington về việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung và quốc gia phía nam trên bán đảo Triều Tiên cũng không xem xét hay có kế hoạch nào liên quan đến vấn đề này. Năm 2017, xung quanh câu chuyện THAAD, Trung Quốc đã trừng phạt Hàn Quốc về thương mại nên chưa rõ giờ đây Seoul có tiếp tục “bắt tay” với đồng minh Washington hay không. Giới quan sát đang thật sự lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ bắt đầu sau khi INF đổ vỡ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.