Việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức xem Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào sáng 6-8 (giờ Việt Nam), cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới càng leo thang.
Ngày 6-8, hơn 7 Nhân dân tệ đổi được 1 USD. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, người đứng đầu bộ này, ông Steven Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng khi Trung Quốc phá giá đồng NDT. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc ngày 5-8 cho phép đồng NDT mất giá 2%, xuống ngưỡng hơn 7 NDT đổi 1 USD, tỷ lệ quy đổi đồng NDT thấp nhất kể từ tháng 2-2008. Các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc ngay trong phiên giao dịch ngày 5-8. Trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Theo AFP, động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu và ứng phó những tác động của việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD kể từ ngày 1-9.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phản đối quyết định của Mỹ, cho rằng việc gắn mác Trung Quốc thao túng tiền tệ là hành động cảm tính, thiếu căn cứ, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, đồng NDT được định giá do các lực lượng cung cầu thị trường ngoại hối quyết định, chứ không thao túng tiền tệ. Tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài viết chỉ trích Mỹ đang gây tổn hại đến trật tự quốc tế.
Hãng CNN nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiến đến bước leo thang mới, với nguy cơ là cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai nước, theo đó sẽ gây tổn hại, thậm chí suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo giới quan sát, Trung Quốc gửi thông điệp rõ ràng rằng, nước này sẵn sàng dùng đồng nội tệ như “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại cùng Mỹ. Về phía Mỹ, với tuyên bố chính thức Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, Washington có thể áp mức thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc, kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) điều tra đồng NDT, hoặc thuyết phục các đồng minh hạn chế hoạt động thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
THIÊN BÌNH