Ngày 23-8, Nga bắt đầu đưa tàu Akademik Lomonosov - lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên của nước này - rời cảng Murmansk, đi dọc bờ biển Bắc Cực để đến đông bắc Siberia.
Theo hãng tin AFP, Akademik Lomonosov cao 144m, nặng 21.000 tấn, gồm hai lò phản ứng công suất 35 MW mỗi lò. Với 69 thuyền viên, trong vòng 4-6 tuần, Akademik Lomonosov sẽ đến Pevek, thị trấn có khoảng 5.000 dân ở vùng Chukotka thuộc Siberia. Akademik Lomonosov sẽ thay thế một nhà máy hạt nhân và một nhà máy than đá khép kín tại đây. Dự kiến lò phản ứng hạt nhân này bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, chủ yếu nhằm cung cấp điện khi Nga đẩy mạnh khai thác dầu mỏ ở Bắc Cực.
Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom cho biết, Akademik Lomonosov là giải pháp thay thế đơn giản hơn so với việc xây dựng nhà máy truyền thống trên mặt đất vốn đóng băng quanh năm. Rosatom cũng định bán các lò phản ứng hạt nhân nổi tương tự ra nước ngoài. Tập đoàn này khẳng định tính an toàn của Akademik Lomonosov; trong trường hợp thảm họa thiên nhiên xảy ra, tàu “gần như không thể chìm”.
Song, các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng dự án “Chernobyl trên băng” hay “tàu Titanic hạt nhân” này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông Rashid Alimov, người đứng đầu bộ phận năng lượng của Tổ chức Hòa bình xanh Nga (Greenpeace Russia), mọi nhà máy hạt nhân đều tạo ra chất thải phóng xạ và có thể gây tai nạn, riêng Akademik Lomonosov còn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão.
KHANG NINH