Tại sao sau tất cả những phẫn nộ, tang thương sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, nước Mỹ vẫn không có gì thay đổi? Không có đạo luật kiểm soát súng đạn nào được Quốc hội thông qua, không có hành động nào đáng kể để ngăn ngừa thảm kịch tái diễn?
Người dân cầu nguyện bên hàng thập tự ghi tên các nạn nhân vụ xả súng tại siêu thị Walmart ở El Paso, Texas. Ảnh: AFP/Getty Images |
Liên tiếp những vụ xả súng hàng loạt lại xảy ra tại Mỹ. Lần này, những tên sát thủ cướp đi sinh mạng của 38 người vô tội và làm hàng chục người khác bị thương trong hai vụ thảm sát ở El Paso, bang Texas và Dayton, bang Ohio.
Sau mỗi thảm kịch như vậy, người dân và chính giới Mỹ lại sôi sục những tiếng nói đòi phải hành động. “Do something!” (Hãy làm gì đó đi chứ!), Thống đốc bang Ohio Mike DeWine nói như tuyệt vọng. Người biểu tình lại kéo ra quảng trường Thời đại kêu gọi Quốc hội phải có trách nhiệm.
Nhưng cũng như sau các vụ xả súng trước đây, từ vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook năm 2012 đến vụ xả súng ở Las Vegas 2017, cơ hội để các nhà lập pháp Mỹ đưa ra hành động quan trọng trong vấn đề kiểm soát súng là rất thấp.
Một chuyện đã trở nên bình thường ở Mỹ: Sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, tranh luận về súng và bạo lực súng ống nóng lên. Một số qui định có thể được đưa ra. Phía chỉ trích đáp trả bằng lo ngại chính phủ đang tìm cách tước súng của dân. Những cuộc tranh luận đình lại. Vì thế, khi người Mỹ tiếp tục chứng kiến tỉ lệ bạo lực súng đạn cao hơn bất cứ nơi nào khác trong thế giới phát triển, vẫn không đạo luật nào được Quốc hội thông qua, không có hành động nào đáng kể để ngăn ngừa thảm kịch tiếp theo.
Vậy tại sao sau tất cả những phẫn nộ, tang thương sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, vẫn không có gì thay đổi?
Theo Vox, để hiểu điều đó, điều quan trọng là không chỉ nhìn vào những số liệu thống kê đầy đủ về quyền sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ, mà phải hiểu mối quan hệ đặc biệt của nước Mỹ, người Mỹ với súng – vốn không giống bất kỳ quốc gia phát triển nào khác – và làm thế nào mà văn hoá và luật pháp Mỹ tiếp tục mở đường cho bạo lực súng đạn diễn ra hầu như hàng ngày ở Mỹ.
THỨ NHẤT, BẠO LỰC SÚNG ỐNG Ở MỸ LÀ HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT
Không một quốc gia phát triển nào trên thế giới có tỉ lệ bạo lực súng ống cao như Mỹ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, nước Mỹ có tỉ lệ thiệt mạng vì súng cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thuỵ Điển, gấp gần 16 lần so với Đức.
Biểu đồ tỉ lệ số người thiệt mạng bằng súng/1 triệu dân (nước Mỹ cột màu đỏ). Nguồn: UNODC/Vox |
Mỹ có tỉ lệ người dân sở hữu súng cũng cao nhất thế giới. Ước tính vào năm 2017, số súng sở hữu dân sự tại Mỹ là 120,5/100 cư dân. Quốc gia có tỉ lệ cao thứ hai trên thế giới là Yemen, nơi đang bị xé nát bởi nội chiến, cũng chỉ có tỉ lệ chưa bằng một nửa Mỹ là 52,8 khẩu/100 dân.
Một thực tế ghê gớm khác là người Mỹ chiếm chưa đầy 5% dân số thế giới, nhưng họ sở hữu gần 45% tổng số súng cá nhân của cả thế giới! Điều đó không có nghĩa là mọi người trưởng thành ở Mỹ đều sở hữu súng. Trên thực tế, sở hữu súng tập trung ở một bộ phận thiểu số người dân Mỹ - theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew và Tổng Điều tra xã hội.
Biểu đồ tỉ lệ sở hữu súng dân sự/100 dân, với nước Mỹ dẫn đầu. Ảnh: Vox |
Ba thực tế cơ bản nói trên minh chứng cho văn hoá súng có một không hai của nước Mỹ. Có một mối tương quan rất mạnh mẽ giữa quyền sở hữu súng và bạo lực súng – một mối quan hệ mà các nhà nghiên cứu cho rằng là một nguyên nhân không nhỏ. Và quyền sở hữu súng của Mỹ vượt xa mọi thứ khác trên thế giới. Những khẩu súng này lại tập trung trong một nhóm thiểu số đam mê súng - những người chỉ trích ồn ào nhất chống lại bất kỳ hình thức kiểm soát súng nào và cũng là những người có sức mạnh khiến các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại những biện pháp đó.
THỨ HAI, NHIỀU SÚNG ĐỒNG NGHĨA NHIỀU CÁI CHẾT DO SÚNG
Những nghiên cứu cho thấy một sự thật rõ ràng: Bất kể xem xét các dữ liệu như thế nào, nhiều súng hơn đồng nghĩa với nhiều cái chết do súng hơn.
Những người phản đối việc kiểm soát súng có xu hướng chỉ ra các yếu tố khác để giải thích mức độ bạo lực súng bất thường của Mỹ - đặc biệt là lý do sức khỏe thần kinh. Nhưng những người mắc bệnh tâm thần lại có nhiều khả năng là nạn nhân, chứ không phải là thủ phạm, của bạo lực. Michael Stone, một bác sĩ tâm thần tại Đại học Columbia, người duy trì một cơ sở dữ liệu về các sát thủ hàng loạt, đã viết trong một phân tích năm 2015 rằng chỉ có 52 trong số 235 kẻ giết người trong cơ sở dữ liệu, tương đương khoảng 22%, bị bệnh tâm thần.
Một lập luận khác từ phe ủng hộ súng là những vụ xả súng sẽ xảy ra ít thường xuyên hơn nếu nhiều người có súng hơn, cho phép họ tự vệ trước một vụ nổ súng. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu súng cao không làm giảm số người chết vì súng, mà có xu hướng trùng với sự gia tăng số người chết vì súng đạn. Sự phổ biến của súng dường như gây ra bạo lực hơn nhiều so với những gì nó ngăn chặn.
Nhiều mô phỏng cũng đã chứng minh rằng hầu hết mọi người, nếu được đặt trong tình huống bị tấn công khi bản thân đang mang theo súng, sẽ không thể ngăn chặn tình huống này và trên thực tế có thể còn dễ khiến mình bị giết hơn.
Súng không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến bạo lực. (Các yếu tố khác bao gồm, ví dụ như nghèo đói, xung đột, đô thị hóa hay tiêu thụ rượu….) Nhưng khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các biến số khác, họ đã nhiều lần phát hiện rằng mức độ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến Mỹ rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn nhiều về bạo lực súng đạn so với các nước phát triển khác.
Hình ảnh trích xuất từ camera, sát thủ Crusius mang súng trường xông vào siêu thị Walmart ở El Paso, Texas trước khi bắn chết 22 người hôm 3/8 vừa qua. |
THỨ BA, NGƯỜI MỸ CÓ XU HƯỚNG ỦNG HỘ HẠN CHẾ SÚNG, NHƯNG KHÔNG THỂ BIẾN THÀNH LUẬT
Nếu bạn hỏi người Mỹ có ý kiến ra sao về các biện pháp kiểm soát súng cụ thể, họ sẽ thường nói rằng họ ủng hộ điều đó. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, hầu hết người Mỹ ủng hộ kiểm tra lý lịch phổ quát – một cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi việc bán súng; cấm vũ khí tấn công (bắn hàng loạt) và cấm các băng đạn lớn. Một số khảo sát cũng đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc yêu cầu giấy phép mua và sở hữu một khẩu súng.
Vậy tại sao những biện pháp này lại chưa bao giờ được đưa thành luật? Đó một phần là vì chúng đối mặt với một vấn đề tâm lý - chính trị mang nặng yếu tố lịch sử khác.
Tâm lý bảo vệ quyền sở hữu súng đã được hình thành cùng với quá trình hình thành nước Mỹ. Do đặc điểm thời kỳ đầu dựng nước người dân Mỹ phải đấu tranh khốc liệt để sinh tồn, nên các nhà lập quốc đã coi việc được dùng súng là quyền cơ bản của con người, chỉ đứng sau quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và hội họp.
Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn cùng với 9 tu chính án khác trong Tuyên ngôn Nhân quyền vào năm 1791, ghi rõ: “Một lực lượng dân quân được tổ chức tốt là rất cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do, do đó quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm”.
Mỗi khi chính phủ muốn áp dụng luật kiểm soát súng, thì thị trường mua bán súng lại nhộn nhịp hơn. Tính ngang bướng “anh càng không cho tôi mua, tôi càng muốn mua” thể hiện rõ sự kiên định của người Mỹ đối với quyền tự quyết, quyền dân chủ, tự do mà hiến pháp đã trao cho họ; người dân quyết không thoả hiệp với bất cứ chính sách nào của chính phủ có khả năng uy hiếp tới tự do và dân chủ. Đó là bản sắc nước Mỹ, của người dân Mỹ. Bản sắc đó không thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử trên 240 năm của "xứ sở cờ hoa".
Tâm lý này được phe phản đối kiểm soát súng sử dụng để tiêu diệt ngay cả những đạo luật đưa ra các biện pháp được ủng hộ nhất, như kiểm tra lý lịch người mua súng. Họ có thể miêu tả một đạo luật như vậy là trái với quyền sở hữu súng, và tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội chống lại việc ra luật.
THỨ TƯ, "VẬN ĐỘNG HÀNH LANG SÚNG" LÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÔ CÙNG MẠNH MẼ.
Tổ chức chính trị mạnh nhất khi nói về súng, chắc chắn là Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). NRA có một sự kìm hãm rất lớn lên nền chính trị bảo thủ ở Mỹ, và sự phát triển của nó diễn ra gần đây hơn bạn nghĩ.
Trong phần lớn lịch sử ban đầu, NRA mang tính chất là một câu lạc bộ thể thao hơn là một lực lượng chính trị nghiêm túc chống lại kiểm soát súng, và thậm chí còn hỗ trợ một số hạn chế về súng. Năm 1934, Chủ tịch NRA, Karl Frederick nói rằng “Tôi không tin vào việc sử dụng súng bừa bãi nói chung. Tôi nghĩ rằng nó nên được hạn chế mạnh mẽ và chỉ theo giấy phép”.
Nhưng một cuộc “nổi dậy” năm 1977 trong tổ chức này đã thay đổi mọi thứ. Khi nạn tội phạm gia tăng vào thập niên 1960 và 70, nhiều tiếng nói đòi hỏi phải kiểm soát súng nhiều hơn, các thành viên NRA lo ngại những hạn chế mới đối với súng sẽ tiếp tục xuất hiện sau đạo luật lịch sử năm 1968. Họ lo sợ làn sóng này cuối cùng dẫn đến việc chính phủ thu giữ tất cả các loại súng ở Mỹ. Vì vậy, các thành viên đã được huy động, thiết lập một đội ngũ cứng rắn trong ban lãnh đạo và mãi mãi thay đổi NRA thành tổ chức vận động hành lang súng mà chúng ta biết ngày nay.
NRA lo ngại rằng các quy định kiểm soát súng được ủng hộ rộng rãi và có vẻ như thông thường, như cấm vũ khí tấn công hoặc cơ sở dữ liệu mua súng liên bang, không thực sự có thể cứu mạng người, mà là bước đầu tiên tiềm năng để chấm dứt mọi quyền sở hữu súng cá nhân ở Mỹ, vi phạm Tu chính án thứ hai của Hiến pháp.
Vì vậy, bất cứ khi nào có một nỗ lực áp đặt các hình thức kiểm soát súng mới, NRA lại tập hợp các chủ sở hữu súng và cả những người phản đối khác để tiêu diệt các dự luật này.
Những người sở hữu súng chiếm thiểu số trong dân số Mỹ, khoảng 30 - 40 % hộ gia đình, nhưng đó là một lực lượng cử tri đủ lớn và hoạt động tích cực, đặc biệt là ở các “căn cứ địa” của đảng Cộng hòa, khiến nhiều nhà lập pháp lo ngại rằng để mất sự ủng hộ từ NRA sẽ đồng nghĩa chấm dứt sự nghiệp chính trị của họ.
Do đó, các phương tiện truyền thông bảo thủ và chính trị gia bảo thủ nhận được sự ủng hộ rất nghiêm túc của NRA. Các chính trị gia đôi khi còn thể hiện sự ủng hộ của họ đối với quyền sở hữu súng một cách thái quá. Chẳng hạn, năm 2015, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đóng vai chính trong một video, do IJ Review thực hiện, trong đó ông ta nấu thịt xông khói với... một khẩu súng máy, và đây không đơn giản là một trò đùa
Thực sự những người ủng hộ kiểm soát súng phải đối mặt với một trở ngại rất lớn: là những đối thủ rất đam mê súng.
Điều gì đằng sau niềm đam mê đó? Kristin Goss, tác giả cuốn “Cuộc tranh luận về súng: Những gì mọi người cần biết”, đã gợi ý rằng đó là một cảm giác mất mát hữu hình - chủ sở hữu súng cảm thấy như chính phủ sẽ tước lấy súng và quyền của họ. (Trong khi đó, những người ủng hộ kiểm soát súng được thúc đẩy bởi những quan niệm trừu tượng hơn về giảm bạo lực súng ống).
Ngoài ra còn có một trở ngại ở cấp tiểu bang, nơi các nhà lập pháp và cử tri đã thông qua luật áp đặt (hoặc nới lỏng) đối với súng. Ở các bang “xanh” (ủng hộ đảng Dân chủ), luật súng ngày càng khắt khe, trong khi ở các bang “đỏ” (ủng hộ đảng Cộng hoà), trong một số trường hợp, luật súng ngày càng lỏng lẻo. Nhưng các luật cấp tiểu bang là không đủ, vì người dân có thể dễ dàng đi đến một tiểu bang có luật súng lỏng hơn để mua súng và chuyển chúng đến một tiểu bang khác.
Đây là một tình trạng phổ biến đến mức tuyến đường vận chuyển súng từ miền Nam, nơi luật súng khá lỏng lẻo, đến New York, nơi luật súng nghiêm ngặt, còn được đặt biệt danh là “Đường ống sắt”.
Những “đường ống” như vậy trên thực tế đang ngang dọc khắp nước Mỹ. Và cứ sau mỗi bản tin nóng về các vụ xả súng, người Mỹ lại bàng hoàng, phẫn nộ, nhưng viễn cảnh một xã hội Mỹ bình yên, không tiếng súng dường như vẫn quá xa vời.
Theo Báo Tin tức