Hàn Quốc quyết định xóa tên Nhật Bản trong “Danh sách Trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Động thái “ăn miếng trả miếng” có thể làm căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng leo thang.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) hồi đầu tháng 8 nhưng không thể tháo gỡ căng thẳng. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, việc chính phủ Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại chưa chính thức có hiệu lực thì được đáp trả bằng quyết định tương tự của Seoul.
Hàn Quốc xếp Nhật Bản vào khu vực mới A2
Theo đó, từ tháng 9, chính phủ Hàn Quốc sẽ thay đổi phân loại về khu vực xuất khẩu vật tư chiến lược, chia thành ba khu vực A1, A2 và B. Nhật Bản được xếp vào khu vực mới (A2) bao gồm các nước tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế nhưng thực hiện không đúng chế độ kiểm soát xuất khẩu theo nguyên tắc quốc tế.
Theo hãng Yonhap, khu vực A2 hiện chỉ có Nhật Bản. Với mỗi đơn hàng xuất khẩu sang nước bị xếp vào khu vực A2, doanh nghiệp phải trình nhiều hồ sơ hơn và thời hạn thẩm định khoảng 15 ngày, thay vì 5 ngày như khu vực A1.
Trước đây, Hàn Quốc xếp các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu vào khu vực A, các quốc gia còn lại ở khu vực B. Khu vực A gồm 29 quốc gia tham gia đủ 4 hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
Chưa rõ việc Hàn Quốc thắt chặt hạn chế xuất khẩu sẽ tác động như thế nào đến thương mại song phương với Nhật Bản nhưng đây là cách thức Seoul đáp trả việc bị Tokyo loại khỏi “Danh sách Trắng” các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại, có hiệu lực từ ngày 28-8. Theo đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) được phép yêu cầu kiểm tra hầu như tất cả các lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các công ty Nhật Bản xuất khẩu vật liệu công nghiệp sang Hàn Quốc trước đây chỉ xin phép chính phủ 1 lần trong 3 năm (trừ những sản phẩm có thể sử dụng cho mục đích quân sự), từ cuối tháng 8 phải xin cấp phép đối với mỗi đơn hàng và quá trình này có thể kéo dài khoảng 90 ngày.
Quyết định nói trên của Nhật Bản được cho là giáng đòn nặng nề đối với nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu; nhiều nhà sản xuất của Hàn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và phụ tùng nhập khẩu từ Nhật Bản. Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á dấy lên kể từ đầu tháng 7, khi chính phủ Tokyo siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu 3 loại nguyên liệu sang Hàn Quốc, bao gồm: fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) sử dụng để sản xuất màn hình smartphone; hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) sử dụng trong sản xuất thiết bị bán dẫn. Đến ngày 8-8, Nhật Bản cấp phép xuất khẩu lô hàng nguyên liệu công nghệ cao đầu tiên sang Hàn Quốc nhưng không thể “hạ nhiệt” được căng thẳng.
Tìm kiếm đối thoại
Trong cuộc họp với các trợ lý cấp cao tại Nhà Xanh ngày 12-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, chính phủ của ông sẽ kiềm chế những phản ứng với Nhật Bản và Seoul cần cách tiếp cận lâu dài để tìm kiếm những biện pháp đối phó cơ bản. Ông Moon gọi động thái của Nhật Bản là “rất nghiêm trọng” dù đó là sự tức giận của Tokyo trong vấn đề lao động cưỡng ép thời chiến. Theo Yonhap, Seoul đang tính chuyện nộp đơn khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản sau khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu sang xứ sở kim chi. Ảnh: AP |
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo cho biết, trong 20 ngày thu thập ý kiến công chúng và chờ quy định mới có hiệu lực, Hàn Quốc vẫn tìm kiếm đối thoại để kết thúc căng thẳng thương mại được cho là gây tổn hại đến quan hệ kinh tế giữa hai đồng minh của Mỹ.
Tranh chấp đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vốn đang vật lộn với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho hay, thâm hụt thương mại với Nhật Bản năm 2018 là 24 tỷ USD, mức lớn nhất trong hơn 250 đối tác thương mại của Seoul.
Phó Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 12-8 nói rằng, việc Nhật Bản mới loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng” có thể chỉ ảnh hưởng tới một vài nguyên vật liệu chiến lược được xuất khẩu sang xứ sở kim chi. Song, các chuyên gia ước tính kinh tế Hàn Quốc chỉ tăng trưởng hơn 2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 2,7% hồi năm ngoái. Nếu căng thẳng vượt tầm kiểm soát, tổn hại sẽ không dừng lại ở phạm vi Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà trở thành mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
PHÚC NGUYÊN