Sau Malaysia và Philippines, các nước châu Á khác như Indonesia và Campuchia bắt đầu trả những kiện rác thải chở lậu bằng đường biển về nơi xuất phát trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về việc châu Á đang dần biến thành bãi rác của các nước phát triển.
Theo Nikkei Asian Review, Indonesia sẽ trả lại 8 kiện giấy rác về Úc. Các quan chức ở cảng Tanjung Perak (Đông Java, Indonesia) cho biết, họ đã phát hiện giấy rác trộn lẫn trong rác điện tử và các vật liệu nguy hiểm khác. Trong khi đó, đại diện cảng Batam (Indonesia) cho hay, họ cũng sẽ trả lại 49 kiện rác thải về Mỹ, Pháp và Đức. Bộ trưởng Bộ Môi trường và Rừng Indonesia Siti Nurbaya Bakar khẳng định, nước này “không chần chừ trong việc trả lại các kiện rác thải được đưa đến bất hợp pháp”. Hồi tháng 6, Jakarta cũng trả lại Mỹ 5 kiện “giấy tái chế” bao gồm giấy, cao su và tã lót.
Tại Campuchia, 83 kiện rác thải nhựa gắn sai nhãn thành vật liệu tái chế để chuyển đến cảng Sihanoukville đang được trả về Mỹ và Canada. Sri Lanka cũng trả lại Mỹ 111 kiện rác thải mới cập cảng nước này ngày 22-7. Các nhà chức trách Sri Lanka đã tìm thấy rác thải y tế trộn lẫn trong các kiện rác này, gây mùi hôi thối.
Cuối tháng 5, Philippines chuyển trả 69 kiện rác thải từ Canada tồn đọng tại cảng của quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, Malaysia khẳng định sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải chuyển lậu từ các nước Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Năm ngoái, việc Trung Quốc - nhà nhập khẩu rác thải lớn trong nhiều năm - từ chối tiếp nhận thêm rác khiến các nền kinh tế giàu có như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản phải ráo riết tìm kiếm các “điểm đến” mới để thải rác. Theo thống kê, năm 2018, lượng rác nhập khẩu của Malaysia tăng 60% lên 870.000 tấn, Thái Lan tăng hơn 300% lên 480.000 tấn, còn Indonesia tăng hơn 200% lên 320.000 tấn.
KHANG NINH