Nếu nhìn quanh thị trường chứng khoán, khó có thể phát hiện công ty nào không chịu thiệt hại ở mức độ nặng nhẹ khác nhau liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Sàn giao dịch chứng khoán tại New York (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Cổ phiếu của những công ty công nghệ giao thương nhiều với Trung Quốc luôn là “ứng viên” hàng đầu để các nhà đầu tư bán vội khi tồn tại lo âu về thương mại.
Cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng giảm nhanh hơn các công ty khác trên thị trường bất kể thời điểm nào Tổng thống Donald Trump đăng trên mạng xã hội Twitter hoặc phát biểu về mức thuế mới.
Nhưng các nhà đầu tư cũng nghiên cứu sâu xa hơn và họ chọn ra loại cổ phiếu nào dễ bị tổn thương bởi chiến tranh thương mại. Lựa chọn hiện tại được mở rộng tới cả nhiều công ty không có mối liên kết đáng kể với Trung Quốc nhưng vẫn phải đối mặt với rủi ro.
Đó là lý do 2% cổ phiếu của S&P 500 tụt dốc trong ngày 5/8 khi tồn tại lo ngại về việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong một thập niên.
Tổn thất đã lan rộng kể từ thời điểm Tổng thống Trump gây sốc các nhà đầu tư vào ngày 1/8 khi nói rằng ông tiếp tục đánh thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại từ Trung Quốc.
Tổng thống Trump vào ngày 13/8 tuyên bố hoãn áp mức thuế mới 10% dự kiến có hiệu lực từ 1-9 đối với hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm công nghệ, may mặc… cho tới 15-12. Tuy nhiên giá nhiều mặt hàng các công ty Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng giá.
Những công ty này buộc phải lựa chọn giữa việc tăng giá sản phẩm hoặc từ bỏ lợi nhuận của họ. Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã tổng hợp những công ty phải “đau đầu” về tình hình chiến tranh thương mại hiện nay.
Một cảng hàng hóa tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Các công ty năng lượng
Cổ phiếu năng lượng của S&P 500 đã giảm 10,2% ngay trước khi Tổng thống Trump đăng nội dung đánh thuế lên Twitter ngày 1/8. Đây là lĩnh vực đối mặt với mức giảm tồi tệ nhất trong 11 mảng hình thành S&P 500.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bắt nguồn từ giá dầu mỏ giảm do lo ngại chiến tranh thương mại gây tổn thất lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu thô Mỹ đã giảm gần 8% trong ngày 1/8 – được ghi nhận là ngày tồi tệ nhất của giá dầu trong 4,5 năm qua.
Các ngân hàng
Cổ phiếu tài chính cũng gặp tình cảnh khó khăn chỉ sau ngành năng lượng trong những tuần qua tại S&P 500. Viễn cảnh cho vay lãi suất không cao là “đám mây đen” bủa vây lấy lợi nhuận của các ngân hàng.
Leo thang căng thẳng chiến tranh thương mại khiến nhiều nhà kinh tế học và các nhà phân tích cảnh báo về khả năng xảy ra suy thoái. Mối lo này còn lan đến thị trường chứng khoán.
Thị trường ngày 14-8 còn có diễn biến đánh chú ý khi lãi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm còn thấp hơn cả lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm. Theo hãng thông tấn AP, đây thường là dấu hiệu báo trước về suy thoái.
Công ty vi mạch
Những công ty sản xuất vi mạch cho máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác đã trở thành nạn nhân lớn nhất của chiến tranh thương mại bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Một ví dụ là Micron Technology với 57% doanh thu từ Trung Quốc trong tài khóa 2018. Không chỉ vậy, Micron Technology còn nhận đất hiếm từ Trung Quốc và vận hành sản xuất tại quốc gia Đông Á này.
Cổ phiếu của Micron Technology đã giảm 2,9% trong ngày 1/8. Nếu tính từ thời điểm năm 2018 khi Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ chiến thắng”, Micron đã giảm tới 8,5%.
Công ty công nghiệp
Kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ giữa năm 2018, phản ứng của thị trường là bán cổ phiếu các công ty công nghiệp lớn. Nhà phân tích Stephen Volkmann tại ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies cho biết: “Bất cứ khi nào có tweet mới, tôi lại nhận được một cuộc gọi hỏi điều này ảnh hưởng thế nào tới nhà sản xuất thiết bị hạng nặng Caterpillar?”.
Theo Báo Tin tức