Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường của ASEAN về Biển Đông

.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS, Phó Thủ tướng khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị. (Ảnh: Hữu Kiên/Thái Lan)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị. (Ảnh: Hữu Kiên/Thái Lan)

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan tại Bangkok, sáng 2-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cấp cao Đông Á (EAS) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 9.

Tại Hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của EAS sau 14 năm thành lập, là diễn đàn của các nhà lãnh đạo về các vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược, là bộ phận cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ mà ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS trong tăng cường cách tiếp cận đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các giá trị được thừa nhận của luật pháp quốc tế, đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Các nước tham gia EAS nhất trí tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 gồm môi trường-năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế-dịch bệnh, quản lý thảm họa, kết nối, kinh tế-thương mại, an ninh lương thực và hợp tác hàng hải.

Các Bộ trưởng đồng thời chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, trong đó có đảm bảo cách thức triển khai hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao, nâng cao vai trò của Bộ phận EAS tại Ban thư ký ASEAN và cơ chế trao đổi giữa Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR) và các Đại sứ các nước đối tác tham gia EAS tại Jakarta (Indonesia).

Nhân dịp này, các Bộ trưởng nhất trí kế hoạch trình Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 14 vào cuối năm 2019 xem xét thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố về chống buôn bán ma túy; Tuyên bố về chống tội phạm xuyên quốc; và Tuyên bố về kết nối.

Về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng ghi nhận những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, trong đó có các tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tại Singapore, Hà Nội và Khu phi quân sự Panmunjom.

Các nước ủng hộ các nỗ lực nối lại đàm phán, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và đối thoại để tìm giải pháp lâu dài cho mục tiêu phi hạt nhân hóa đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, vì nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.

Các nước EAS cũng khẳng định tiếp tục cam kết tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này.

Tình hình Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực.

Các Bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước về vai trò và vị trí quan trọng của EAS trong cấu trúc khu vực, nhất là trong bối cảnh những chuyển động phức tạp, khó lường của tình hình đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với EAS.

Phó Thủ tướng ủng hộ các nỗ lực tăng cường vai trò của nước Chủ tịch EAS, đồng thời cũng là Chủ tịch ASEAN, ASEAN+3 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), gia tăng quan hệ gắn kết, bổ trợ lẫn nhau giữa các cơ chế này.

Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác biển và kết nối là hai lĩnh vực mà các nước tham gia EAS có tiềm năng, phù hợp với quan tâm và nhu cầu hợp tác ở khu vực cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Về tình hình Biển Đông, tiếp theo những quan ngại được các nước EAS bày tỏ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Vietnam+

 

;
;
.
.
.
.
.