Rời INF, Mỹ thử tên lửa cấm

.

Mỹ vừa thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn hơn 500km, vốn bị cấm trước đây, làm dấy lên lo ngại khả năng xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới.

Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California.			          Ảnh: AFP
Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California. Ảnh: AFP

Việc Mỹ thử tên lửa không gây bất ngờ bởi giới chức Washington đã tuyên bố trong nhiều tháng qua về kế hoạch một vụ phóng tên lửa trong tháng 8. Đáng lưu ý, đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Mỹ chỉ 2 tuần sau khi cường quốc này chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Hãng ABC News dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc ngày 20-8 (giờ Washington) cho biết, vụ thử nghiệm diễn ra vào cuối tuần trước tại đảo San Nicolas thuộc bang California ở phía tây nước Mỹ. Theo một quan chức Mỹ, tên lửa này là một phiên bản của tên lửa tấn công mặt đất Tomahaw, có tầm bắn hơn 500km, được thiết kế mang đầu đạn thông thường, không phải đầu đạn hạt nhân. “Dữ liệu thu thập được và bài học từ vụ thử nghiệm này cho thấy khả năng phát triển tên lửa tầm trung trong tương lai”, Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Ngày 2-8, Mỹ chính thức rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này mặc dù Moscow luôn bác bỏ điều này. Nga cũng đình chỉ hiệp ước, khiến INF - thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh do hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký năm 1987 - sụp đổ. Vừa rời INF, Washington tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa và sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á.

INF cấm Mỹ và Nga phát triển, vận hành các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km. Như vậy, nếu theo quy định của hiệp ước, Mỹ không thể tiến hành vụ thử nói trên. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 20-8 cáo buộc Mỹ gây căng thẳng quân sự bằng việc thử tên lửa, nhưng ông khẳng định Moscow sẽ không bị cuốn vào một cuộc đua vũ trang mới. Ông Ryabkov cho biết, Moscow không có ý định triển khai tên lửa mới miễn là Mỹ cũng kiềm chế hành động này.

Theo tạp chí The National Interest của Mỹ, khi INF sụp đổ, cân bằng hạt nhân của thế giới hiện thay đổi. Trong tương lai gần, Mỹ và Nga đều có ý định triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn, nếu hai nước đạt được một hiệp ước mới thì cũng sẽ không ngăn được việc triển khai này.

Tháng 2-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, nước ông có thể đàm phán về hiệp ước mới thay thế INF nhưng một hiệp ước như thế có thể có sự tham gia của Trung Quốc. Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc là một trong những lý do khiến Mỹ rút khỏi INF. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng từng bày tỏ mong muốn Bắc Kinh tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Song, chuyên gia hạt nhân Gregory Kulacki tại Hiệp hội Các nhà khoa học có trụ sở ở Massachusetts (Mỹ) lý giải, điều đó khó xảy ra.

Giờ đây, khi Mỹ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới và gia tăng đối đầu quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, một cuộc chạy đua vũ trang sẽ gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh quốc tế và khu vực.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại trên thế giới là Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Song, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Nga sẵn sàng đàm phán lại hiệp ước này. Washington cho rằng, START cũng lỗi thời và không còn đáp ứng được lợi ích của cường quốc này.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.