Thổ Nhĩ Kỳ "xoay trục" sang Nga

.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bàn thảo về khả năng Moscow sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 cùng máy bay Su-35 cho Ankara, đánh dấu sự “xoay trục” và mối quan hệ nồng ấm trở lại giữa hai nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự triển lãm hàng không MAKS 2019 ở Zhukovsky, cách thủ đô Moscow 40km. 			                              Ảnh: AP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự triển lãm hàng không MAKS 2019 ở Zhukovsky, cách thủ đô Moscow 40km. Ảnh: AP

Hãng thông tấn RIA ngày 28-8 dẫn lời một quan chức Nga cho biết, chính phủ nước này và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ “bắt tay” trong những hợp đồng mua bán các máy bay Su-57 và Su-35 do Moscow sản xuất. Người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật quân sự liên bang Nga Dmitry Shugaev bàn thảo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 28-8 về việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cũng như các máy bay Su-57 và Su-35. Ông Shugaev còn cho biết, Moscow có thể giúp Ankara tạo ra máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 TF-X của riêng nước này. Sau S-400, nếu những thương vụ mới thành công sẽ là một dấu mốc minh chứng sự “xoay trục” của Ankara sang Moscow và sự nồng ấm trở lại trong quan hệ giữa hai nước.

Tại triển lãm hàng không lớn nhất của Nga mang tên MAKS 2019 ở Zhukovsky, cách thủ đô Moscow 40km vào ngày 27-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ sự quan tâm thỏa thuận mua Su-57 của Nga do tập đoàn Sukhoi sản xuất, được coi là đối thủ cạnh tranh với các máy bay chiến đấu đình đám thế giới do Mỹ sản xuất như F-2 Raptor và F-35. Cùng có mặt tại triển lãm, ông Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin gọi nhau là “bạn thân”. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua Su-57.

Trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Vladimir Putin, ông Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiếp tục hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nga, trong đó có việc mua các máy bay chiến đấu. “Chúng ta đang có những bước đi tích cực trong công nghiệp quốc phòng với việc bắt đầu chuyển giao hệ thống S-400”, ông Erdogan nói.

Hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận tổ hợp đầu tiên của hệ thống S-400 do Nga sản xuất, theo thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 12-2017, bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ - đồng minh của Ankara trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đợt chuyển giao S-400 thứ hai diễn ra vào ngày 27-8, dự kiến kéo dài trong 1 tháng và được cho là càng làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ.

Mỹ cho rằng, các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của nước này (F-35) có thể bị tổn hại bởi sự hiện diện của hệ thống S-400. Cường quốc hàng đầu thế giới đã chính thức loại Ankara khỏi chương trình chế tạo F-35 nhưng biện pháp trừng phạt này vẫn không xoay chuyển được quyết định của Tổng thống Erdogan. Thậm chí, ông Erdogan còn tuyên bố sẽ mua máy bay chiến đấu của nước khác nếu Washington không bán F-35 cho Ankara, cụ thể là mua máy bay Su-35 của Nga.

Theo hãng AFP, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các máy bay chiến đấu của Nga chắc chắn sẽ làm Mỹ tức giận hơn nữa, đó là chưa nói đến việc các nhà thầu quốc phòng của Ankara mất gần 10 tỷ USD doanh thu và bỗng nhiên “dọn đường” cho Israel thế chân trong dự án F-35. Mặc dù có quyền áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào bất kỳ quốc gia nào thực hiện “giao dịch quan trọng” với Nga về khí tài quân sự nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn “xuống tay” với Thổ Nhĩ Kỳ vì mối quan hệ thân thiết với ông Erdogan. Tuy vậy, ông Trump khó tránh được sức ép của Quốc hội.

Các nhà quan sát nhận định, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt từ thương vụ S-400, nhưng Ankara chưa bao giờ muốn đánh mất đồng minh lớn như thế. Thổ Nhĩ Kỳ phải “xoay trục” sang các đối tác thân thiện hơn Mỹ, trong đó có Nga, để “bù đắp” cho những thiệt hại.

Song, theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ “bắt tay” Nga là một “phép thử” với đồng minh Mỹ. Thỏa thuận thiết lập vùng an toàn ở phía đông sông Euphrates thuộc Syria vừa được Washington và Ankara ký kết nhằm đẩy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ yếu là người Kurd, ra khỏi vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ là động thái cài đặt lại quan hệ. Vì vậy, chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan ngoài việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì lợi ích của quốc gia, nhà lãnh đạo này cũng muốn quan hệ giữa Nga - Thổ nồng ấm trở lại sau những hoài nghi của giới chức Moscow rằng Ankara đang thực hiện chính sách “hai mặt”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.