Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với hàng loạt khủng hoảng trong và ngoài nước, có thể tác động đến hướng đi của ông nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania ngày 7-8 lên máy bay Air Force One để đến hai thành phố Dayton (bang Ohio) và El Paso (bang Texas), nơi xảy ra các vụ xả súng. Ảnh: AP |
Ngày 9-8, Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng để bắt đầu kỳ nghỉ tháng 8 thường niên tại câu lạc bộ golf của ông ở New Jersey. Tuy nhiên, “bủa vây” ông trong kỳ nghỉ là hàng loạt khủng hoảng trong và ngoài nước. Theo hãng AP, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump hiện sụt giảm, nhất là ở những “bang chiến trường” như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin - những bang mà ông từng giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử năm 2016.
Câu hỏi về khả năng điều hành đất nước của ông Trump cũng được đặt ra khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được cho là có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Thêm vào đó, bạo lực súng đạn ở Mỹ khiến phe ủng hộ siết chặt quy định sở hữu súng đạn và phe hậu thuẫn cho quyền sở hữu súng đạn càng thêm tranh cãi. Thậm chí, chính sách chống người nhập cư của ông Trump bị xem là nguyên nhân chính dẫn đến vụ xả súng ở thành phố El Paso, bang Texas mới đây, làm 22 người chết.
Liên quan vấn đề bạo lực súng đạn đang hoành hành tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thúc giục Tổng thống Trump và Quốc hội cắt ngắn kỳ nghỉ tháng 8, trở lại làm việc để xem xét dự luật ngăn bạo lực súng đạn vừa được Hạ viện thông qua. Hai vụ xả súng mới nhất, một vụ tại một siêu thị Wal-Mart ở thành phố El Paso và một vụ ở thành phố Dayton, bang Ohio làm tổng cộng 31 người chết là vụ xả súng thứ 250 và 251 tại Mỹ trong 216 ngày vừa qua của năm 2019, nghĩa là trung bình xảy ra hơn 1 vụ bạo lực súng đạn mỗi ngày. Nhiều nghị sĩ cho rằng, ông Trump phải chịu trách nhiệm về sự thù hằn ở Mỹ và vụ tấn công ở El Paso, bởi cách hành xử cứng rắn của chính phủ đối với người nhập cư trái phép.
Theo hãng tin AP, phản ứng của Tổng thống Trump đối với các vụ xả súng nói trên không thống nhất. Khi các vụ việc xảy ra, ông hầu như “đứng bên lề” ở Bedminster, bang New Jersey. Sau đó, ngày 7-8, ông đến hai thành phố El Paso và Dayton với những cái bắt tay, những cái ôm chia buồn. Phe Dân chủ chỉ trích ông Trump đề cập sự cần thiết cải cách luật y tế về quản lý bệnh nhân tâm thần để xác định hiệu quả hơn “những đối tượng bị rối loạn tâm thần”, chứ không nói đến việc hạn chế súng đạn. Phe Dân chủ cho rằng, quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng về việc súng không phải là thủ phạm, mà chính “bệnh lý tâm thần và lòng thù hận đã kéo cò súng”, đã góp phần gia tăng sự chia rẽ và kích động bạo lực.
Đối với chính sách ngăn người nhập cư tràn vào Mỹ của Tổng thống Trump, trong đó có hạn chế việc xin quy chế tị nạn, hợp tác với “nước thứ ba an toàn”, xây tường biên giới với Mexico…, bà Nancy Pelosi cho rằng, việc hành xử với người nhập cư đang là thách thức với lương tâm nước Mỹ. “Thật đáng xấu hổ về những gì xảy ra ở biên giới”, Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói.
Ở ngoài nước, Tổng thống Trump cũng đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng như: vấn đề hạt nhân Iran, CHDCND Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc... Trong lúc Mỹ và Triều Tiên đang thúc đẩy nối lại đàm phán cấp chuyên viên, Bình Nhưỡng bất ngờ thử hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Sự “phớt lờ” của ông Trump trước động thái của Bình Nhưỡng khiến giới chính trị gia Mỹ không khỏi băn khoăn về khả năng Washington sẽ nhượng bộ trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước vào giai đoạn mới với nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Giới quan sát cho rằng, không dễ tháo gỡ căng thẳng khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục có những động thái đáp trả lẫn nhau. Tại Đông Bắc Á, hai đồng minh lớn của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rơi vào xung đột kinh tế xuất phát từ những mâu thuẫn trong quá khứ.
Đó là chưa nói đến những khủng hoảng ở Trung Đông, mà Mỹ là tác nhân chính. Tâm điểm là căng thẳng với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015; căng thẳng ở vùng Vịnh khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ và hàng loạt vụ bắt bớ tàu chở dầu ở eo biển Hormuz…
Tuy nhiên, theo cựu Giám đốc Truyền thông của Nhà Trắng Anthony Scaramucci, Tổng thống Trump không nghĩ mình đang đối mặt với nhiều thách thức, bởi ông tin vào nền kinh tế và vẫn theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”.
PHÚC NGUYÊN