Qua 20 năm với các cương vị lúc làm Thủ tướng, lúc làm Tổng thống và hiện ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư, ông Vladimir Putin đã tái thiết một nước Nga vững chãi, có vị thế trung tâm trên chính trường thế giới. Ông vẫn là chính trị gia số 1 ở Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã mang lại sự ổn định về kinh tế, chính trị cho nước Nga và khôi phục vị thế của quốc gia này. Ảnh: Getty Images |
Ngày 9-8-1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin bổ nhiệm Thủ tướng thứ tư trong vòng chưa đầy 18 tháng, người được chọn là ông Vladimir Putin. Lúc ấy, ông Putin là lãnh đạo Cơ quan Tình báo KGB, chưa được nhiều người biết đến và chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Năm 2000, ông Putin được bầu làm Tổng thống Nga. Sau hai nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp, ông đã đảm trách một nhiệm kỳ Thủ tướng để rồi tiếp tục làm Tổng thống hai nhiệm kỳ nữa. Sau khi giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, ông Putin có thể cầm quyền đến năm 2024. Ông là nhà lãnh đạo có thời gian tại nhiệm lâu nhất ở Nga kể từ thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin.
Chính cách xử lý kiên quyết, dứt khoát với nạn tham nhũng trong nước và xử lý phong trào khủng bố của lực lượng ly khai ở Chechnya trong những năm đầu của ông Putin đã giúp ổn định đất nước.
Ông Putin được đông đảo tầng lớp nhân dân Nga yêu mến, kính trọng bởi đã góp công rất lớn trong việc khôi phục danh dự, mang lại sự ổn định cho nước Nga sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Theo ông Lev Gudkov, Giám đốc tổ chức thăm dò công luận độc lập Levada Center, mục tiêu của ông Putin là “khôi phục hình ảnh Nga là một quốc gia hùng mạnh và khôi phục uy thế như Liên bang Xô viết một thời đã có”. Trong thông điệp liên bang năm 2018, ông Putin nhìn nhận: “Nước Nga đã đánh mất rất nhiều, gần như tất cả. Nhưng ngày nay, sau ¼ thế kỷ, hãy nhìn xem những gì chúng ta đang có”.
Theo hãng tin AFP, tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn đang ở mức mà hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây đều ghen tị. Song, ông chủ Điện Kremlin cũng đối mặt với những thách thức lớn khi nền kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại và mức sống của người dân giảm sút.
Nhà lãnh đạo 66 tuổi của Nga cũng đang tìm kiếm một gương mặt tin cậy kế nhiệm khi ông rời cương vị năm 2024, nhưng chưa có ứng cử viên nổi bật rõ ràng lúc này. “Nước Nga, bất kể còn nghèo và còn những vấn đề tội phạm, vẫn là một đất nước tự do, dân chủ”, nhà báo nổi tiếng Nikolai Svanidze, người thường phỏng vấn ông Putin trong giai đoạn đầu ông nắm quyền tại điện Kremlin nhận định.
Chuyên gia phân tích chính trị Konstantin Kalachev cho rằng, ông Putin khởi đầu với quan điểm một người tự do, sẵn sàng làm việc với phương Tây, nhưng theo thời gian ông có quan điểm bảo thủ hơn. Ông Valery Fyodorov, Giám đốc cơ quan thăm dò dư luận quốc gia (VTSIOM) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới việc công chúng không hài lòng với chính phủ là vấn đề kinh tế, chăm sóc sức khỏe và tiền lương. Tuy nhiên, theo ông Fyodorov, việc sụt giảm tỷ lệ tín nhiệm ông Putin hiện không lớn. “Ông Putin là chính trị gia số một. Ông Putin chịu trách nhiệm về đất nước. Mọi người đều biết như vậy”, ông Fyodorov nói.
Chính phủ Nga cũng đã có những điều chỉnh mới về kinh tế, xã hội. Những “mục tiêu quốc gia” của ông Putin đã được ký thành luật ngay sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư vào tháng 5-2018, cam kết cải thiện mức sống và phục hồi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức. “Người dân biết ơn ông Putin. Người dân tôn trọng ông ấy và đặt hy vọng vào ông ấy”, ông Fyodorov nói.
Những mốc chính trong cuộc đời ông Putin * 7-10-1952: sinh ra trong gia đình lao động tại Leningrad, nay là Saint Petersburg. * 25-7-1998: được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan an ninh FSB, tiền thân là KGB. Ông Putin gia nhập cơ quan này từ năm 1975. * 9-8-1999: được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Trong tháng 10, ông phát lệnh đàn áp lực lượng nổi loạn tại Chechnya. * 31-12-1999: tạm nắm quyền Tổng thống và chính thức đắc cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2000. * 14-3-2004: tái đắc cử tổng Thống Nga. * 7-5-2008: rời cương vị, chuyển giao quyền lực cho ông Dmitry Medvedev và trở thành Thủ tướng Nga. * 7-5-2012: trở lại cương vị Tổng thống. * 18-3-2014: sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. * 18-3-2018: tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4. |
TRẦN ĐẮC LUÂN