Trung Đông bất ổn, Mỹ đổ lỗi cho Iran

.

Mỹ cho rằng, Iran cùng các đồng minh của nước Cộng hòa Hồi giáo này tiếp tục xúi giục khủng bố và gây bất ổn ở Trung Đông.

Iran đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh mang tên Stena Impero gần eo biển Hormuz hồi tháng 7. 	Ảnh: AP
Iran đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh mang tên Stena Impero gần eo biển Hormuz hồi tháng 7. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ở New York ngày 20-8 (sáng 21-8, giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giục cần hợp tác hơn nữa và có “tư duy mới để giải quyết những vấn đề cũ” ở Trung Đông; đồng thời cho rằng Iran cùng các đồng minh của nước Cộng hòa Hồi giáo này tiếp tục xúi giục khủng bố và gây bất ổn tại khu vực vốn được xem là “chảo lửa”.

Ông Pompeo là một trong hơn 30 người phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ đề cập những thách thức phức tạp ở Trung Đông. Nhà ngoại giao này hối thúc HĐBA LHQ gia hạn nghị quyết 2231 trừng phạt Iran - quy định cấm vận vũ khí và hạn chế đi lại đối với 24 cá nhân (trong đó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Qasem Soleimani), trước khi các biện pháp này hết hiệu lực vào tháng 10-2020. Nghị quyết 2231 được HĐBA LHQ thông qua hồi tháng 7-2015. Theo Ngoại trưởng Mỹ, nếu dỡ bỏ trừng phạt, Iran sẽ tạo nên “mớ hỗn độn mới”.

Về các thách thức mà Trung Đông đang đối mặt, hãng AP dẫn lời ông Pompeo cho rằng, có quá nhiều vấn đề, từ cuộc xung đột ở Libya, bạo lực tiếp diễn ở Syria, đến rạn nứt giữa các quốc gia vùng Vịnh và đặc biệt là Iran. Ông Pompeo thậm chí mô tả nước Cộng hòa Hồi giáo này là “mối đe dọa hòa bình và an ninh lớn nhất đang diễn ra ở khu vực”, thể hiện qua việc Tehran ủng hộ các lực lượng đồng minh ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen; bắt giữ các tàu thương mại ở vịnh Persian; phát triển và thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tiên tiến bất chấp nghị quyết của HĐBA LHQ. “Rõ ràng từ các vấn đề ở Aleppo đến Aden, từ Tripoli đến Tehran, sự hợp tác ở Trung Đông hiện cần thiết hơn bao giờ hết”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Thông điệp nói trên của Ngoại trưởng Pompeo càng làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, vốn bùng phát gay gắt kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế chương trình phát triển hạt nhân và cắt giảm kho dự trữ làm giàu uranium để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế. Song, sự rút lui của Mỹ cùng với việc tái áp đặt các biện pháp cấm vận Iran dẫn đến hành động đáp trả của Tehran bằng cách thu hẹp tuân thủ các cam kết. Iran cũng đã bắt 3 tàu dầu ở vùng Vịnh kể từ tháng trước, trong đó có 1 tàu treo cờ Anh.

Trong khi đó, Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi cho rằng, một trong những nguyên nhân gây bất ổn và mất an ninh ở Trung Đông là việc Mỹ triển khai hơn 70.000 binh sĩ tại khu vực này. Ông Ravanchi chỉ rõ, hầu hết trong số 41 cơ sở quân sự ở Trung Đông trong năm 2018 (tăng từ 4 cơ sở năm 1990) là của người Mỹ. Về kêu gọi của Mỹ trong việc thành lập liên minh quốc tế bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng Vịnh, ông Ravanchi chỉ trích, bất kỳ sự can thiệp nào vào tuyến đường thủy chiến lược này cũng đều “gây bất ổn”, “không thể chấp nhận được” và sẽ “thất bại”. Washington yêu cầu Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức cùng một số nước khác tham gia liên minh bảo vệ tàu và Úc vừa tuyên bố tham gia sứ mệnh này.

Theo Reuters, HĐBA LHQ dường như không có hành động chống Iran trong lúc các cường quốc châu Âu đang nỗ lực cứu JCPOA. Các nhà ngoại giao cũng cho rằng, Nga và Trung Quốc - có quyền phủ quyết trong HĐBA - sẽ bảo vệ Tehran. Bà Anne Gueguen, Phó Đại sứ Pháp tại LHQ không ủng hộ “chính sách của áp lực và trừng phạt”, đồng thời cho rằng chỉ có cách tiếp cận toàn cầu mới có thể giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các hoạt động khác của Iran ở khu vực.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.