Vì sao Nhật - Hàn căng thẳng thương mại?

.

Việc Nhật Bản hồi đầu tháng 7 siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) - làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á. Nhật Bản còn có kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” các nhà nhập khẩu đáng tin cậy - một động thái trì hoãn hoặc làm gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu có thể ảnh hưởng đến hơn 1.000 mặt hàng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, Nhật Bản muốn gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc “vì mục đích chính trị”. Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản vi phạm trật tự thương mại toàn cầu và đã đưa đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, phía Nhật Bản khẳng định, nước này hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc không cấu thành lệnh cấm hay trở thành vấn đề thích hợp để thảo luận ở WTO.

Trong khi đó, làn sóng phản đối sử dụng hàng hóa của Nhật Bản tại Hàn Quốc dâng cao. 23.000 hãng bán lẻ đã rút hàng hóa Nhật Bản ra khỏi kệ và thông báo sẽ không bao giờ mua bán sản phẩm từ nước này. Các hãng hàng không Hàn Quốc tạm ngừng cung cấp các dịch vụ hoặc có kế hoạch giảm số lượng chuyến bay trên một số tuyến đến Nhật Bản…

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng thương mại Nhật - Hàn?

Vấn đề khúc mắc khá dai dẳng trong quan hệ giữa Nhật - Hàn là tranh cãi chủ quyền liên quan một số hòn đảo và lao động cưỡng bức. Tòa án Tối cao Hàn Quốc cuối năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến cuối Thế chiến thứ 2.  

Nhật Bản khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965; theo đó, Tokyo bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Tháng 1-2019, Nhật Bản yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao thông qua một Hội đồng trọng tài, nhưng Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết. Vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo quyết định không hội đàm song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka vào tháng 6 vừa qua và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, nhất là lĩnh vực thương mại.

Trong khi đó, các quan chức ở Seoul cảnh báo, một quốc gia thứ ba có thể được hưởng lợi từ tranh chấp leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, ám chỉ Trung Quốc - đối thủ địa chính trị của Mỹ. Giới quan sát cũng cho rằng, xung đột thương mại Nhật - Hàn có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các công ty Hàn Quốc và mang lại lợi thế cho Trung Quốc giữa lúc nước này đang thúc đẩy sáng kiến “Made in China 2025”.

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản. Vật liệu bán dẫn là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản sang Hàn Quốc. Vì thế, quyết định của Tokyo chắc chắn sẽ làm chính các công ty Nhật thiệt hại khi các doanh nghiệp Hàn tìm nguồn cung thay thế.

Không những thế, căng thẳng Nhật - Hàn sẽ tác động tiêu cực đến cả khu vực, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có lời giải cuối cùng. Do vậy, tìm lối thoát cho sự bất đồng này là tâm điểm hiện nay không chỉ đối với Seoul hay Tokyo mà còn với cả Mỹ lẫn WTO.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.