Ngày 2-8, nhiều cuộc làm việc diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở thủ đô Bangkok (Thái Lan). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Đông Á. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (ASEAN và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) lần thứ 20, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh các nỗ lực mở rộng hợp tác ASEAN+3 trên các lĩnh vực phát triển dựa vào sáng tạo như: kết nối số, thương mại điện tử, đô thị thông minh nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh lương thực, ứng phó thiên tai, dịch bệnh… Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào thúc đẩy và phát huy vai trò của tiến trình ASEAN+3, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển tại Đông Á.
EAS nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình ở Biển Đông
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) lần thứ 9 diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 8 nước đối thoại gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ. Tình hình Biển Đông được các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng; giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982. Các nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh, mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế.
Tại hội nghị EAS, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển; đồng thời khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó kêu gọi tăng cường các lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 26 diễn ra vào chiều 2-8 đề cập quan điểm về các vấn đề chính trị và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và căng thẳng ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwina cho rằng, ARF phải thích ứng với những nền tảng giá trị gia tăng phù hợp. “Chúng ta không những cần duy trì ARF như là một nền tảng cho thảo luận thẳng thắn và cởi mở cũng như hợp tác thực chất, mà còn phải củng cố ý chí chính trị và tăng cường khả năng cho những hành động tập thể nhằm giúp ngăn chặn những tình huống an ninh, đóng góp hiệu quả hơn trong việc ứng phó với những thách thức cấp bách ở khu vực”, Bộ trưởng Don Pramudwina nói.
Mỹ thúc giục lòng tin của ASEAN
Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 2-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á tin tưởng vào các giá trị của Washington. Đề cập chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của chính phủ Tổng thống Donald Trump, ông Pompeo nói rằng, nhiều thập niên đầu tư của Mỹ đã giúp châu Á vượt qua đói nghèo và tiến đến thịnh vượng. Nhà ngoại giao này chỉ trích hành động của Trung Quốc khi coi Đông Nam Á là “sân sau”.
Cũng tại Bangkok, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước và triển khai các hệ thống tên lửa. Ngay sau đó, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt INF. Song, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thúc giục Mỹ thực hiện lệnh cấm triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung sau khi rời INF.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai nước cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung cũng như tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).
Một số vụ nổ bom nhỏ xảy ra vào ngày 2-8, gây chấn động thủ đô Bangkok, làm 4 người bị thương trong lúc Thái Lan đăng cai Diễn đàn khu vực ASEAN. Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha xác nhận có tổng cộng 9 vụ nổ và các nhà chức trách không loại trừ động cơ nào. Ông yêu cầu điều tra ngay lập tức, thắt chặt an ninh và kêu gọi người dân không nên lo sợ. Hai đối tượng tình nghi đến từ khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống ở miền nam đã bị bắt giữ. |
VĨNH AN tổng hợp