Tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc sáp nhập thung lũng Jordan ở Bờ Tây và phía bắc Biển Chết nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 17-9 làm dấy lên phản ứng gay gắt của Palestine cũng như thế giới Arab. Hòa bình Trung Đông càng trở nên xa vời.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công bố kế hoạch sáp nhập Bờ Tây. Ảnh: AFP |
Mặc dù tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể là chiến thuật vận động trước thềm tổng tuyển cử vào ngày 17-9, nhất là lấy lòng cử tri cánh hữu, nhưng lại gây ra phản ứng gay gắt của Palestine, thế giới Arab, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Hãng AFP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với thung lũng Jordan ở Bờ Tây và phía bắc Biển Chết là một bước đi của Israel trong việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Chính Thủ tướng Netanyahu cũng xác nhận các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Likud của ông chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 17-9.
Hãng Reuters cho biết, người Palestine ngày 12-9 khẳng định sẽ không từ bỏ chủ quyền của Bờ Tây. “Đây là đất của Palestine, dành cho người Palestine”, Ismael Hassan (75 tuổi), công dân Palestine sống tại làng Zbeidat nói. Một quan chức cấp cao Palestine gọi kế hoạch của ông Netanyahu là “điên rồ”. Các nhà lãnh đạo Palestine tuyên bố sẽ vô hiệu hóa các thỏa thuận hòa bình tạm thời từ những năm 1990 đến nay.
Hơn 400.000 người Israel đang sống ở hơn 120 khu tái định cư, chiếm 60% diện tích của Bờ Tây. Thung lũng Jordan rộng 2.400km2, chiếm gần 30% diện tích Bờ Tây. Hiện có 53.000 người Palestine và 12.800 người tái định cư Israel sinh sống ở thung lũng Jordan. Việc sáp nhập sẽ làm tiêu tan giấc mơ của người Palestine về một nhà nước độc lập ở Bờ Tây và Dải Gaza. Thực tế, giấc mơ này bị phủ bóng kể từ tháng 12-2017, khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat nói với hãng Reuters rằng, không thể xây dựng một nhà nước Palestine mà không có thung lũng Jordan. Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, kế hoạch của Israel sẽ vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, là đòn tấn công vào những nỗ lực hòa bình và hủy hoại giải pháp hai nhà nước. EU cũng chỉ trích tham vọng của Israel là mối đe dọa đối với “triển vọng một nền hòa bình lâu dài”. Về phía các nước Arab, trong thông cáo chung, các Ngoại trưởng cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Israel là “một diễn biến nguy hiểm, một động thái gây hấn mới” có thể phá hoại cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực.
Giải pháp được Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat đưa ra là cần “sự hiện diện của bên thứ ba” như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU. Ông Erekat nhấn mạnh: “Quân đội hay dân thường Israel không nên có mặt ở lãnh thổ Palestine bởi điều này sẽ không mang lại hòa bình”. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Israel bác bỏ bất kỳ sự can dự nào của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Theo hãng Bloomberg, vòng đàm phán gần đây nhất về hòa bình giữa Israel và Palestine đã đổ vỡ vào năm 2014. Sau ngày 17-9, Mỹ dự kiến công bố đầy đủ kế hoạch hòa bình Trung Đông (còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”), được Washington soạn thảo hơn 2 năm qua, nhưng chưa rõ có đề cập giải pháp hai nhà nước (một nhà nước Palestine cùng tồn tại bên cạnh Israel) hay không. Giải pháp hai nhà nước vốn là trọng tâm trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Một quan chức Mỹ ngày 12-9 cho rằng, việc Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sáp nhập Bờ Tây không ảnh hưởng gì đến “Thỏa thuận thế kỷ”. Thế nhưng, vấp phải sự tẩy chay của Palestine và thách thức mới từ phía Israel, kế hoạch hòa bình Trung Đông dù được công bố đầy đủ cũng sẽ có nguy cơ “chết yểu”. Theo đó, hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn là điều xa vời.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn giành sự ủng hộ của người dân nước ông đang sống ở các khu định cư ở Bờ Tây và khu vực Đông Jerusalem bị chiếm đóng, trong lúc nhà lãnh đạo này có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử ngày 17-9. Các thăm dò cho thấy, đảng Likud của ông Netanyahu đang cạnh tranh chật vật với đảng Xanh và Trắng. |
PHÚC NGUYÊN