Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng khi Washington điều thêm binh sĩ cùng khí tài đến vùng Vịnh, trong khi Tehran thách thức cường quốc hàng đầu thế giới đưa ra bằng chứng về vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia. Giới chức ngoại giao Pháp mô tả việc đàm phán Mỹ - Iran là “con đường hẹp”.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (bìa phải) gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại New York. Ảnh: PA |
Lầu Năm Góc tuyên bố điều thêm 200 binh sĩ đến Saudi Arabia nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho nước này sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu vào ngày 14-9 vừa qua, mà Washington và Riyadh (thậm chí cả Anh, Pháp, Đức) đều cáo buộc Iran là thủ phạm. Theo đó, 200 quân được bổ sung vào lực lượng khoảng 500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Saudi Arabia, minh chứng cho cam kết của Washington đối với các đối tác khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn đưa đến Saudi Arabia một khẩu đội tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa đất đối không từ thời Chiến tranh Lạnh hiện vẫn được quân đội Riyadh sử dụng, 4 radar Sentinel có khả năng theo dõi máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Hãng AFP cho hay, trong 1 tuần ngoại giao tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã yêu cầu Mỹ cung cấp chứng cứ cho những cáo buộc của Washington rằng Tehran đứng sau vụ tấn công nói trên. “Ai đưa ra cáo buộc thì phải cung cấp bằng chứng cần thiết. Chứng cứ của các ngài là gì?”, ông Rouhani phát biểu với báo giới. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, giới chức nước ông sẽ chia sẻ chứng cứ về vụ tấn công với các nước khác trong thời gian tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ.
Mặc dù châu Âu nỗ lực thuyết phục Mỹ và Iran ngồi vào bàn đàm phán bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, nhưng hai nước đều thể hiện việc không muốn tìm giải pháp tháo gỡ “nút thắt”. Hãng Reuters cho rằng, việc thiếu vắng đối thoại cho thấy không bên nào sẵn sàng từ bỏ “đòn” căn bản của mình: Mỹ tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế Iran bằng lệnh trừng phạt để nước Cộng hòa Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân, trong khi Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình. Mỹ tin trừng phạt sẽ khiến Iran khuất phục, còn Tehran kiên quyết không chịu sức ép từ Washington.
Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc giục Tổng thống Rouhani gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ. “Ông ấy (Tổng thống Rouhani) sẽ đánh mất cơ hội nếu rời Mỹ mà không gặp gỡ Tổng thống Trump”, ông Macron nói với ông Johnson. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Mỹ đã vội vã trở về Washington để đối mặt với nguy cơ bị luận tội - một động thái do Hạ viện khởi xướng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở New York ngày 26-9 (sáng 27-9, giờ Việt Nam), Tổng thống Rouhani khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt và kết thúc chính sách “gây sức ép tối đa” lên Tehran. Ông Rouhani tuyên bố năng lực tên lửa của Iran là “không thể đàm phán”. Theo hãng AFP, các quan chức ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh, yêu cầu của họ là Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (trong đó có Mỹ) hồi năm 2015, gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia vùng Trung Đông này. “Họ rời thỏa thuận, áp đặt trừng phạt, tìm cách hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của chúng tôi, đe dọa các nước khác không được hỗ trợ chúng tôi. Sau đó, họ nói về đàm phán sao? Không có cơ hội nào”, một quan chức Iran bày tỏ.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao Pháp mô tả những gì đang diễn ra là “con đường hẹp”. Một quan chức khác của Iran nói rằng, đàm phán Mỹ - Iran vẫn có thể diễn ra. “Trời luôn tối nhất trước lúc bình minh”, hãng Reuters dẫn lời quan chức này nói.
PHÚC NGUYÊN