Ngày 23-9, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) khai mạc tại New York. Các nhà lãnh đạo dự kiến đưa ra những cam kết mới chống biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu không có khí thải vào năm 2050.
Các cuộc tuần hành kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu diễn ra ở Anh với thông điệp: Khí hậu là vấn đề khẩn cấp. Ảnh: Reuters |
Hội nghị thượng đỉnh của LHQ diễn ra trong lúc cháy rừng Amazon ở bán cầu tây chưa được dập tắt và hàng nghìn đám cháy rừng ở Indonesia, thuộc bán cầu đông, đang lan sang nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bão Tapah vừa đổ vào khu vực miền tây nam Nhật Bản; bão Imelda đổ bộ vào khu vực gần Freeport, bang Texas của Mỹ...
Hãng AFP cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres muốn tại lần nhóm họp đặc biệt này ở New York, các chính phủ và doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch cụ thể, thực tế cùng với những cam kết mới để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Các quan chức LHQ kỳ vọng các quốc gia sẽ xây dựng cam kết thực thi Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu để chống lại sự ấm nóng toàn cầu, nhất là khi Tổ chức Khí tượng Thế giới vừa công bố dữ liệu cho thấy, năm 2014-2019 là giai đoạn ấm nóng nhất.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Guterres nhận định, các chính phủ đã không đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chưa sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu. “Chúng ta thất bại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, ông Guterres nói và bày tỏ kỳ vọng các quốc gia sẽ hành động nhiều hơn nói suông.
Thỏa thuận Paris được 195 quốc gia ký kết tại hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu vào tháng 12-2015 (COP 21). Theo đó, Mỹ cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 26-28% đến năm 2025, Trung Quốc giảm 18% đến năm 2030... Các chính phủ cũng nhanh chóng chuyển sang năng lượng sạch, nhưng khí thải vẫn ở mức kỷ lục vào năm ngoái. Vì vậy, mục tiêu của Thỏa thuận Paris ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu dưới mức 2 độ C, nếu có thể là 1,5 độ C, sẽ khó đạt được.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris. Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ đang đề xuất “Thỏa thuận Xanh” nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Song, Tổng Thư ký Guterres nói rằng, với những hành động gần đây của một số nước và doanh nghiệp, cùng sự tích cực của thế hệ trẻ trong các phong trào chống biến đổi khí hậu như các cuộc tuần hành rầm rộ vì môi trường, ông hy vọng có thể đạt được các mục tiêu quốc tế trong việc ngăn sự ấm nóng toàn cầu. Người đứng đầu LHQ kêu gọi các quốc gia tham dự hội nghị ngừng xây thêm các nhà máy nhiệt điện (dùng than đá), giảm trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và cam kết không phát thải vào năm 2050.
Vấn đề gây tranh cãi từ nhiều diễn đàn LHQ về biến đổi khí hậu là các nước giàu thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, nhưng những nước nghèo thải rất ít khí nhà kính lại gánh chịu hậu quả nhiều nhất. Trung Quốc có khí thải nhà kính lớn nhất thế giới, Mỹ xếp thứ hai, tiếp đó là Ấn Độ. Song, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ không muốn xếp cùng nhóm với Mỹ vì hai quốc gia châu Á này có dân số lớn hơn Mỹ nên lượng khí thải bình quân đầu người của họ thấp hơn.
Báo The Guardian cho hay, các đại diện đến từ 60 nước sẽ phát biểu tại diễn đàn LHQ, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Anh Boris Johnson... Song, các nền kinh tế lớn vẫn xây dựng hoặc tài trợ cho các nhà máy than đá, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, sẽ không được mời phát biểu ý kiến.
Tổng thống Trump cũng sẽ không phát biểu. Sau khi tuyên bố Mỹ không tuân thủ Thỏa thuận Paris năm 2015 nữa, ông Trump đối mặt với những chỉ trích từ trong nước rằng, ông đã từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Ông Trump và các quan chức khác của chính phủ Mỹ hàm ý rằng, họ không xem biến đổi khí hậu là khủng hoảng ngay lập tức. Theo Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Andrew Wheeler, chất lượng nước và ô nhiễm đại dương mới là những mối đe dọa toàn cầu lớn hơn.
THIÊN BÌNH