Iran muốn nhận 15 tỷ USD tiền bán dầu cho châu Âu trong 4 tháng tới để trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Pháp đang nỗ lực thương lượng với Mỹ về khoản giải ngân này.
Cơ sở làm giàu uranium bên ngoài thành phố Isfahan của Iran. IAEA xác định Iran đã tăng mức độ làm giàu uranium lên tới 4,5%. Ảnh: AP |
Sau khi trở về từ Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố, Tehran sẽ trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), chỉ khi nào nhận được 15 tỷ USD tiền bán dầu cho châu Âu trong 4 tháng tới, nếu không thì nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ tiếp tục giảm cam kết. Hãng AFP cho biết, ông Araghchi đã bác bỏ việc đàm phán lại JCPOA nhưng nói rằng Iran vẫn để ngỏ khả năng đối thoại về cách thực hiện thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, chính ông Araghchi cũng hoài nghi về việc Mỹ và các đối tác châu Âu chấp thuận đề nghị của Iran trước ngày 6-9, thời hạn cuối mà Tehran đặt ra buộc châu Âu phải bảo vệ lợi ích kinh tế của Tehran.
Theo hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire đã gặp gỡ các quan chức Mỹ tại Washington, bao gồm người đồng cấp Steven Mnuchin, ông Lawrence Kudlow - cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, ông Robert Lighthizer - Trưởng đoàn đàm phán thương mại, nhằm thuyết phục Washington “bật đèn xanh” với khoản giải ngân 15 tỷ USD. Chính Pháp đã đề xuất mức tín dụng 15 tỷ USD trong 4 tháng để khôi phục việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran nếu quốc gia vùng Trung Đông này trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân. Khoản vay này tương đương với khoảng 50% nguồn thu hằng năm từ dầu mỏ của Iran khi không bị Mỹ trừng phạt.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời nghị sĩ bảo thủ Iran Ali Motahari cho hay, Pháp đề nghị nước này và Anh, Đức giải ngân khoản vay 15 tỷ USD thành 3 đợt; đổi lại, Iran ngừng đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân vào ngày 6-9 và cuối cùng là trở lại tuân thủ hoàn toàn JCPOA. Thế nhưng, bất kỳ công ty hay nước nào mua dầu của Iran đều sẽ bị Mỹ trừng phạt. Vì vậy, “lệnh miễn trừ” từ Washington trong lúc này sẽ là “cứu cánh”, giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng, Iran sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ Mỹ nếu trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Theo JCPOA, Iran hạn chế làm giàu uranium để được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Song, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018, Iran có những động thái đi ngược lại với những điều khoản của văn bản này. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) xác định Iran đã tăng mức độ làm giàu uranium lên tới 4,5%, so với mức 3,67% được quy định trong JCPOA, nhưng vẫn dưới mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Vấn đề đặt ra trong lúc này là bên cạnh việc đòi 15 tỷ USD, Iran đưa ra những tuyên bố khác nhau đối với những nỗ lực của Pháp trong việc cứu vãn JCPOA. Chẳng hạn, ngày 4-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng sẽ cho các cường quốc châu Âu thêm 2 tháng để cứu JCPOA, nhưng cũng chính nhà lãnh đạo này lại tuyên bố Tehran đang chuẩn bị “những bước đi đáng kể hơn nữa”. “Bước đi thứ ba (trong việc giảm cam kết của Iran) sẽ là bước quan trọng nhất và sẽ mang lại những ảnh hưởng đáng kể”, ông Rouhani nhấn mạnh. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Iran xác nhận việc nước này sẽ tuân thủ thỏa thuận nếu nhận được khoản vay 15 tỷ USD. Song, theo đài truyền hình nhà nước Iran bằng tiếng Anh, Tehran bác bỏ đề xuất về một khoản vay như vậy từ EU.
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm doanh số bán dầu của Iran giảm hơn 80%. Tehran đang trong quá trình đàm phán với Pháp, Anh và Đức để cứu JCPOA, đồng thời cứu nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, Pháp đang thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hassan Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York trong tháng 9 này. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực của Pháp sẽ thành công.
Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 4-9 cho hay, Tehran sẽ phóng thích 7 thủy thủ trên tàu Stena Impero treo cờ Anh, bị bắt vào ngày 19-7 vừa qua ở eo biển Hormuz với cáo buộc “vi phạm luật hàng hải quốc tế”. Vụ bắt giữ xảy ra sau 2 tuần Anh bắt tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi lãnh thổ Gibraltar. Tàu Grace 1 đổi tên thành Adrian Darya và được phóng thích hồi tháng 8. |
PHÚC NGUYÊN