Iran và châu Âu đàm phán cứu thỏa thuận hạt nhân

.

Các nhà ngoại giao Iran đến Pháp đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015. Song, châu Âu khó duy trì thỏa thuận hạt nhân nếu không được Mỹ “bật đèn xanh”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) tháng 9-2018. Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) tháng 9-2018. Ảnh: AFP

Hãng Bloomberg cho biết, ngày 2-9, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi - đặc phái viên của Tổng thống Hassan Rouhani - dẫn đầu phái đoàn gồm các chuyên gia kinh tế đến thủ đô Paris bắt đầu đàm phán với Pháp, một cường quốc châu Âu, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong lúc đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đến Moscow để đàm phán với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy trước ngày 6-9, thời hạn cuối mà Tehran tuyên bố sẽ tiếp tục giảm việc tuân thủ JCPOA.  

Phát biểu với hãng tin ICANA của Quốc hội Iran, Ngoại trưởng Zarif khẳng định: “Đàm phán giữa Iran với các nước châu Âu sẽ được tiếp tục”. Song, theo ông Zarif, nếu trước ngày 6-9, các nước châu Âu không có biện pháp cụ thể để triển khai các cam kết, Iran sẽ viết thư gửi các đối tác châu Âu trong JCPOA và lý giải về “bước đi thứ ba” của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trao đổi qua điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tuần qua, Tổng thống Rouhani cũng cảnh báo, Iran sẽ thực hiện bước đi tiếp theo trong việc giảm cam kết tuân thủ JCPOA nếu châu Âu không có động thái nào. “Cũng như những bước đi trước đó, bước đi thứ ba này sẽ có thể đảo ngược”, ông Rouhani nói, hàm ý để ngỏ khả năng đàm phán. Song, “bước thứ ba được vạch sẵn, sẽ mạnh hơn bước đầu tiên và bước thứ hai để tạo sự cân bằng giữa các quyền của Iran và các cam kết đối với JCPOA”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 2-9 tuyên bố.

Đúng 12 tháng kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA, Iran bắt đầu giảm cam kết tuân thủ thỏa thuận này. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay, Iran hiện tích lũy được 241,6kg uranium làm giàu và tăng mức làm giàu lên 4,5%. JCPOA quy định Iran được phép làm giàu uranium ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và thấp hơn mức 20% mà Tehran thực hiện trước khi ký thỏa thuận. Bên cạnh đó, Iran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với mức tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể bán ra nước ngoài.

Tổng thống Pháp Macron thúc giục Mỹ gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có biện pháp nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, để Tehran tuân thủ JCPOA trở lại. Chính ông chủ Điện Élysée đã đề xuất kế hoạch tháo gỡ căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Các cuộc gặp gỡ tại thành phố Biarritz (Pháp), bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua, với sự hiện diện bất ngờ của Ngoại trưởng Iran và Ngoại trưởng Nga, mở đường cho giải pháp ngoại giao giải quyết căng thẳng giữa Tehran và Washington. Không những thế, cả Pháp lẫn Đức và Anh đều nhấn mạnh ưu tiên mở cánh cửa đối thoại giữa Tehran và Washington sau hội nghị G7 ở Biarritz.

Tuy nhiên, nỗ lực của châu Âu trong việc cứu JCPOA chưa mang lại kết quả cụ thể. Bà Ellie Geranmayeh, thành viên chính sách cấp cao về chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho rằng, Iran vô cùng thận trọng về những gì châu Âu có thể thực hiện mà không cần sự “bật đèn xanh” của Mỹ. Bà Geranmayeh bày tỏ lạc quan khi cho rằng: “Ít ra đến lúc này, với thông điệp của Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7, dường như Pháp đã được Mỹ “bật đèn xanh” trong việc thúc đẩy gói kinh tế mà Paris đang bàn thảo với giới chức Iran”. Song, theo ông Mahmoud Vaezi, Chánh văn phòng của Tổng thống Iran, khó diễn ra đàm phán giữa Mỹ và Iran khi Washington vẫn duy trì chính sách “gây áp lực tối đa” lên Tehran, trong đó có các biện pháp trừng phạt về kinh tế.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.