Kế hoạch hòa bình của Iran nêu rõ nước này hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực để bảo đảm an ninh cho vịnh Persian và biển Oman, mà không cần sự hiện diện của lực lượng nước ngoài.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc duyệt binh ở Tehran, khẳng định sẽ trình kế hoạch hòa bình lên Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP |
Trong thời gian tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ trình kế hoạch hòa bình. Ông Rouhani khẳng định thông tin này tại cuộc duyệt binh ở thủ đô Tehran vào ngày 22-9 trước khi lên đường đến New York.
Theo hãng Reuters, kế hoạch hòa bình đề cập việc Iran hợp tác với các nước trong khu vực để bảo đảm an ninh cho vịnh Persian và biển Oman. Tổng thống Rouhani mô tả đây là “sự mở rộng tình hữu nghị và anh em” với các nước láng giềng; đồng thời chỉ trích rằng việc lực lượng nước ngoài hiện diện ở Trung Đông chỉ gây ra các vấn đề và sự bất ổn cho người dân Iran cũng như khu vực. Nhà lãnh đạo Iran kêu gọi lực lượng nước ngoài rời khỏi vùng Vịnh. “Nếu họ chân thành, họ không nên biến khu vực của chúng tôi thành nơi chạy đua vũ trang”, ông Rouhani nhấn mạnh.
Phát biểu của Tổng thống Iran được xem là lời đáp trả việc Mỹ sẽ triển khai thêm quân đến vùng Vịnh, chủ yếu là không quân và hệ thống phòng thủ tên lửa, theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Joe Dunford cho biết, việc triển khai lực lượng đến Trung Đông trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Rouhani, lực lượng vũ trang Iran tiến hành duyệt binh, phô diễn những khí tài mới nhất, bao gồm xe tăng, tên lửa và xe thiết giáp. Không những thế, Iran còn trưng bày tên lửa Khordad-3 từng bắn hạ máy bay không người lái Mỹ RQ-4 Global Hawk hồi tháng 6. Sự kiện này được cho là nhằm “dằn mặt” Mỹ khi Washington vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Iran.
Các tuyên bố và động thái nói trên được đưa ra trong lúc căng thẳng ở vùng Vịnh gia tăng sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais tại Saudi Arabia vào ngày 14-9, khiến sản lượng dầu của vương quốc Arab này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Mỹ và Saudi Arabia đều quy trách nhiệm cho Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran và ông không có kế hoạch phản ứng quân sự. Hãng Bloomberg dẫn lời giới phân tích nhận định, ông Trump hàm ý muốn tránh xung đột quân sự. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016, ông hứa sẽ rút lực lượng Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông. Nay sắp bước vào chiến dịch tái tranh cử năm 2020, người đứng đầu Nhà Trắng càng không thể đi ngược lại những gì đã cam kết.
Trong khi đó, Saudi Arabia để ngỏ về “hành động chiến tranh” mặc dù Riyadh hiện tại vẫn muốn giải pháp hòa bình. CNN dẫn lời Bộ trưởng các vấn đề ngoại giao của Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết, nếu kết quả điều tra cho thấy vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu đến từ Iran thì Riyadh sẽ xem xét “hành động chiến tranh”. “Chúng tôi chắc chắn vụ tấn công không đến từ Yemen mà đến từ phía bắc. Cuộc điều tra sẽ chứng minh điều đó”, ông Adel al-Jubeir nói. Riyadh đang chờ kết quả điều tra quốc tế và cho rằng vụ tấn công là phép thử ý chí toàn cầu trong việc giữ gìn trật tự quốc tế. Riyadh cũng sẽ tìm kiếm việc thành lập liên minh thống nhất tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ.
Theo các nhà quan sát, kế hoạch hòa bình của Iran sẽ không thể tháo “ngòi nổ” và mọi động thái tiếp theo đều trông chờ kết quả điều tra về vụ tấn công. Hơn nữa, căng thẳng giữa Mỹ và Iran vốn dấy lên từ năm ngoái, thời điểm Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào mạng lưới tài chính và xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Iran cho rằng, Mỹ đang theo đuổi chính sách “gây hoang mang và tuyệt vọng”, đồng thời các biện pháp trừng phạt là “chính sách thất bại”.
VĨNH AN