Kế hoạch hòa bình Trung Đông gặp khó

.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, đang gặp khó khi đặc phái viên Jason Greenblatt, người phụ trách việc đối thoại giữa Israel và Palestine sẽ từ chức.

Đặc phái viên về Trung Đông Jason Greenblatt (trái) và ông Jared Kushner (đứng, thứ hai từ phải qua), cố vấn của Tổng thống Mỹ tham dự một hội nghị về Trung Đông.Ảnh: AP
Đặc phái viên về Trung Đông Jason Greenblatt (trái) và ông Jared Kushner (đứng, thứ hai từ phải qua), cố vấn của Tổng thống Mỹ tham dự một hội nghị về Trung Đông.Ảnh: AP

Nhà Trắng cho biết, ông Jason Greenblatt - đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, người có vai trò quan trọng trong kế hoạch giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine - sẽ rời cương vị này. Các quan chức Mỹ khẳng định, việc ông Greenblatt từ nhiệm không ảnh hưởng đến việc công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông sau khi Israel hoàn tất cuộc bầu cử vào ngày 17-9. Song, báo The Guardian dẫn lời nhà phân tích Khaled Elgindy tại Viện Brookings cho rằng, việc ông Greenblatt từ chức có thể phủ bóng lên triển vọng của kế hoạch hòa bình, dù ông này là luật sư về bất động sản và không có kinh nghiệm ngoại giao, đảm nhận trọng trách đặc phái viên Trung Đông vào năm 2017 để cùng Jared Kushner - con rể của Tổng thống Donald Trump - thúc đẩy hòa bình ở một khu vực “chảo lửa”.

Trong thời gian ông Greenblatt làm nhà ngoại giao về Trung Đông, Mỹ đã cắt đứt một số liên kết với người Palestine, chẳng hạn như đóng cửa lãnh sự quán tại Jerusalem, ra lệnh đóng cửa Phái bộ Palestine tại Washington. Từ tháng 8-2018, Mỹ cắt tất cả viện trợ dành cho Palestine - một động thái do ông Greenblatt thúc đẩy, trong đó có tài trợ dành cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA), đồng thời cắt giảm gần 200 triệu USD cho việc thực hiện các dự án nhân đạo tại Bờ Tây và Dải Gaza. Bên cạnh đó, ông Greenblatt ủng hộ những quyết định như dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem; công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, làm dấy lên phản ứng tức giận của người Palestine.

Theo hãng AP, cũng trong hơn 2 năm làm Đặc phái viên về Trung Đông, ông Greenblatt chưa bao giờ tham gia đàm phán giữa Israel và Palestine. Vai trò của ông chỉ là soạn thảo kế hoạch, nhưng vẫn được xem là một trong những “kiến trúc sư” của “Thỏa thuận thế kỷ”.

Đến nay, kế hoạch hòa bình Trung Đông chưa chính thức được công bố, ngoại trừ một phần kế hoạch được giới thiệu tại hội nghị ở Bahrain vào tháng 6 vừa qua; theo đó, Washington sẽ chi 50 tỷ USD để phát triển kinh tế của Palestine và các nước Arab láng giềng. Song, Palestine chỉ trích kế hoạch này, cho rằng “Thỏa thuận thế kỷ” là “những lời hứa mang tính trừu tượng” và chỉ có giải pháp chính trị mới giải quyết được xung đột ở khu vực.

Bà Hanan Ashrawi, Ủy viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine, cố vấn của Tổng thống Palestine, gọi quyết định từ chức của ông Greenblatt là sự chấp nhận thất bại đối với kế hoạch hòa bình Israel - Palestine. “Tôi nghĩ đó là sự chấp nhận cuối cùng đối với thất bại. Họ đã cố ép người Palestine phục tùng, buộc chúng tôi phải chấp nhận dù kế hoạch của họ ra sao. Bản kế hoạch đó đã thất bại ngay từ đầu”, bà Ashrawi nói.

Theo AP, thực tế chưa ai biết chắc chắn về phần chính trị của kế hoạch do “bộ đôi” Kushner - Greenblatt soạn thảo, nhưng các quan chức Nhà Trắng nói rằng, Washington sẽ không cam kết ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine có chủ quyền bên cạnh Israel và đây cũng là chính sách của các chính phủ Mỹ tiền nhiệm. Kế hoạch hòa bình Trung Đông có xu hướng ủng hộ “Palestine tự trị” và tự quản lý, nhưng không đề cập việc thành lập một nhà nước Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng minh thân thiết của Mỹ, cam kết trong năm nay sẽ sáp nhập các khu tái định cư của Israel ở Bờ Tây, nhưng nếu điều này xảy ra thì sẽ hủy hoại ý tưởng “hai nhà nước”.

Một vấn đề nữa khiến thỏa thuận hòa bình gặp khó là người Israel và người Palestine hiện không sẵn sàng đàm phán. Hơn nữa, nếu Thủ tướng Netanyahu thất bại trong cuộc bầu cử vào ngày 17-9, kế hoạch có thể bị hoãn công bố vô thời hạn.

Những vấn đề chủ chốt trong xung đột Israel và Palestine như thành lập nhà nước Palestine độc lập; Israel kiểm soát Bờ Tây; quyền hồi hương của người Palestine tị nạn; người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai… sẽ không dễ dàng được giải quyết. Vì vậy, “Thỏa thuận thế kỷ” dù được công bố cũng khó tạo ra bước đột phá cho tiến trình hòa bình Trung Đông; trái lại có khi châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.