Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 23-9 tại New York (Mỹ) là dịp để các nhà lãnh đạo đưa ra những kế hoạch cụ thể và thực tế nhằm thực thi Thỏa thuận Paris năm 2015, theo đó nhân rộng cách thức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là mong muốn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khi triệu tập cuộc họp này.
Ông Guterres cho rằng, hầu hết các chính phủ vẫn chần chừ trong hành động ngăn chặn sự biến đổi của khí hậu. “Biến đổi khí hậu đang trở thành thảm kịch đối với xã hội. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu mọi việc tiếp diễn và thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Guterres nói. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kế hoạch giảm phát thải 45% trong thập niên tới và đạt mức phát thải 0% vào năm 2050.
Cuối tuần qua, các cuộc tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu đã thu hút hàng triệu người tham gia tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Mỹ, Úc, Pháp, Indonesia, Thái Lan…
Theo hãng Reuters, 87 công ty lớn ở nhiều lĩnh vực trên thế giới, từ thực phẩm, xi-măng đến viễn thông, cũng cam kết giảm hiệu ứng nhà kính trong chiến dịch đa quốc gia hướng đến một tương lai có khí thải thấp. 87 công ty tham gia sáng kiến kể từ tháng 6 đến nay với lời kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Một số công ty thống nhất giảm khí thải về mức 0% vào năm 2050, trong đó có công ty thực phẩm Nestle của Thụy Sĩ, công ty vật liệu xây dựng Saint-Gobain của Pháp, hãng mỹ phẩm L’Oreal của Pháp…
Các công ty khác cho biết sẽ điều chỉnh hoạt động với mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu lên 1,5 độ C, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015; trong đó có công ty viễn thông Nokia của Phần Lan, tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp, nhà sản xuất thuốc AstraZeneca Plc của Anh.
BÌNH YÊN