Báo The Guardian gọi việc đảng Dân chủ Mỹ khơi mào cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump là “cuộc chiến chính trị của thế kỷ”, đánh dấu sự nghiệp chính trị đầy biến động của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. Ảnh: Getty Images |
Theo báo USA Today, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng, bà muốn thúc đẩy khẩn trương việc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump lạm dụng quyền lực để gây sức ép buộc Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ “nặng ký” của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Việc luận tội được khơi mào hồi tuần trước, xuất phát từ đơn tố cáo của một sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). “Người thổi còi” này vẫn chưa chính thức lộ diện nhưng gây cho ông Trump nhiều sóng gió. Tổng thống Trump khẳng định không làm gì sai và cáo buộc đảng Dân chủ đang âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử năm 2016, thời điểm ông đã giành chiến thắng để bước vào Nhà Trắng.
Sáng 29-9 (giờ Việt Nam), ông Trump đăng tải video trên Twitter với thông điệp kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Hãng AP cho biết, trong đoạn ghi hình dài 38 giây, ông Trump nói rằng, đảng Dân chủ đang đe dọa quyền lợi của người dân Mỹ và gọi cuộc điều tra là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ”. “Đảng Dân chủ muốn cướp súng của bạn. Họ muốn cướp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn. Họ muốn cướp phiếu bầu của bạn. Họ muốn cướp sự tự do của bạn…”, ông Trump phát biểu và tuyên bố không cho phép những điều này xảy ra. “Lý do là đất nước của chúng ta đang bị đe dọa hơn bao giờ hết… Họ đang cố ngăn cản tôi vì tôi đang chiến đấu cho bạn và tôi sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra”, ông Trump nói.
Hai ngày trước đó, 3 ủy ban tại Hạ viện bao gồm Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Giám sát, gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo nộp các tài liệu liên quan và lên lịch trình lấy lời khai của các nhân chứng. Theo đó, trong vòng 1 tuần, tức đến ngày 4-10, ông Pompeo phải giao nộp tài liệu.
Các ủy ban nói trên đang điều tra “mức độ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia mà Tổng thống Trump gây ra khi gây sức ép để Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020”. Từ ngày 2-10 đến 10-10, các ủy ban cũng sẽ thẩm vấn 5 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có cựu Đại sứ tại Ukraine Masha Yovanovitch, người được cho là đã bị cách chức hồi đầu năm nay do phản đối nỗ lực của Tổng thống Trump gây sức ép với Kiev để thăm dò ông Joe Biden.
Kể từ khi đảng Dân chủ tiếp quản Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, 6 ủy ban thuộc cơ quan lập pháp này đã tiến hành điều tra hàng loạt cáo buộc đối với ông Trump, trong đó có nghi vấn người đứng đầu Nhà Trắng cản trở công lý trong cuộc điều tra của cố vấn đặc biệt Robert Mueller về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016; cáo buộc ông lạm quyền khi ban bố tình trạng khẩn cấp để xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico…
Giờ đây, bà Pelosi nói rằng, vấn đề Ukraine là mục tiêu chính của cáo buộc nhằm vào ông Trump, với tâm điểm là cuộc gọi của Tổng thống Mỹ chúc mừng tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó nhắc đến cuộc điều tra Burisma, tập đoàn dầu khí tư nhân lớn nhất Ukraine, mà con trai ông Joe Biden là thành viên Hội đồng quản trị. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội tổng thống. Song, trong lịch sử của cường quốc hàng đầu thế giới, chưa có tổng thống nào phải từ chức vì bị luận tội. Bởi vậy, báo The Guardian gọi đây là “cuộc chiến chính trị của thế kỷ”.
Đến nay, gần 300 cựu quan chức đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ đã ký thư ủng hộ việc điều tra luận tội Tổng thống Trump. Điều này được xem là một bất lợi đối với ông. Song, chuyên gia Julian Zelizer tại Trường Đại học Princeton cho rằng, luận tội là chuyện khó lường.
Nếu luận tội vẫn không “làm khó” được ông Trump, đảng Dân chủ sẽ “tay trắng”. Theo ông Michael Steele, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Cộng hòa, thách thức của đảng Dân chủ là phải giành được sự ủng hộ của công chúng. Ngày 28-9, bà Pelosi cho hay, công chúng Mỹ đang đứng về phía cuộc điều tra luận tội chống lại ông Trump.
VĨNH AN